Cafe và quán vắng là cuốn sách thứ hai của Anh Thư, sau tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi “Thư không gửi cho ba”. Cứ như mắt tôi đọc, thì đến cuốn sách này, văn chị đằm hơn, tinh tế hơn. Một cuốn sách mới, là tản văn, lại viết theo đúng giọng điệu  của chị. Điều đó chứng tỏ Anh Thư rất có ý thức tạo dựng một lối đi riêng trên những nẻo đường còn hoang vắng. Con đường này không phải ít người đi. Thậm chí rất đông người. Nhưng ai cũng vội vàng. Bởi thế con đường dù ồn ào, nhưng vẫn đìu hiu, vắng vẻ, bởi rất ít người để lại được dấu vết.







NHẤP LY CÀ PHÊ TRONG QUÁN VẮNG CỦA ANH THƯ

            TRẦN ĐĂNG KHOA

                                                             
Trên tay ta là “ly cà phê” của Anh Thư, một đặc sản riêng của “bà chủ quán vắng”, với cách pha cũng rất riêng, có vẻ gì giống như sự kiêu sa, bởi không chiều theo khẩu vị của khách. Ấy là tôi õng ẹo, không phải “té nước theo mưa”, mà phà cái hơi ẩm theo cơn mưa bụi, mưa như sương khói của Anh Thư thôi. Còn nói theo đúng cái giọng “thợ cày không có trâu” của tôi, thì trên tay bạn là tác phẩm mới nhất của Anh Thư. Một nhà văn còn trẻ. Rất trẻ.
Đối với đông đảo bạn đọc, có thể Anh Thư còn ít nhiều lạ lẫm. Nhưng với những thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam, thì chị là gương mặt thân quen. Chị có nhiều tác phẩm phát trên Đài, đặc biệt là những tiểu phẩm, tạp văn, tản văn dành cho các em thiếu nhi và tuổi mới lớn.
Cafe và quán vắng là cuốn sách thứ hai của Anh Thư, sau tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi “Thư không gửi cho ba”. Cứ như mắt tôi đọc, thì đến cuốn sách này, văn chị đằm hơn, tinh tế hơn. Một cuốn sách mới, là tản văn, lại viết theo đúng giọng điệu  của chị. Điều đó chứng tỏ Anh Thư rất có ý thức tạo dựng một lối đi riêng trên những nẻo đường còn hoang vắng. Con đường này không phải ít người đi. Thậm chí rất đông người. Nhưng ai cũng vội vàng. Bởi thế con đường dù ồn ào, nhưng vẫn đìu hiu, vắng vẻ, bởi rất ít người để lại được dấu vết.
Những năm gần đây, với sự phát triển khá phong phú đa dạng của văn học, chúng ta có không ít tác giả, tác phẩm đặc sắc ở cả những thể loại nghiêng về báo chí. Nếu ở ký, chúng ta có những tác giả lớn, như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, và gần đây nhất là Đỗ Chu, thì ở phóng sự, chúng ta có nhiều cây bút sung sức, mà tiêu biểu là Đỗ Doãn Hoàng và Hoàng Anh Sướng…Ở tạp văn là Phan Thị Vàng Anh, với bút danh Thảo Hảo. Nói đến Phan Thị Vàng Anh, tác giả truyện ngắn Kịch Câm, Hoa muộn…, chúng ta thường nghĩ đến một nhà văn thính phòng. Nhưng chị lại rực sáng trong tạp văn. Nếu ở truyện ngắn, bên cạnh Phan Thị Vàng Anh, còn ồn ào nhiều tên tuổi khác. Nhưng với tạp văn, chị là độc tôn. Không ai viết hay hơn chị. Xa lắm, mới thấy thấp thoáng vài hình bóng khác, song cũng mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm…
Cách đây hơn chục năm, có một nhà văn rất nổi tiếng, tôi gọi ông là “nhà văn thông tấn”. Ông có vẻ không vui. Gọi thế là đánh đồng ông với nhà báo, là hạ thấp tác phẩm của ông. Nhưng tôi không nghĩ thế, cũng không thể nói khác. Bởi tôi thấy ông đúng như vậy. Văn và báo là hai thể loại khác nhau. Tôi không nghĩ văn chương thì hơn báo chí. Thể loại nào cũng giá trị và khi đạt đến đỉnh cao cũng đều bất tử. Đọc một bài báo đặc sắc còn sướng hơn gấp ngàn lần đọc một cuốn tiểu thuyết mà lại viết xoàng. Vấn đề không phải ở thể loại mà ở giá trị đích thực mà tác phẩm đem đến cho người đọc.

                         

Cuốn sách của Anh Thư phần nào nghiêng về báo chí, nhưng người đọc không thấy mình đang lật từng trang báo, mà chỉ thanh thản trong cảm giác được thư giãn trong một bầu khí quyển êm dịu rất dễ chịu. Anh Thư không làm ta giật mình bởi những phát hiện mới mẻ hay những ý nghĩ táo bạo. Chị cũng không bỏ bùa ta bằng hơi văn ma mị. Nếu ví Anh Thư như một cô chủ quán, thì người đẹp này khá đặc biệt. Bởi cô rất chân tình, cởi mở, phục vụ khách hàng tận tụy, chu đáo, nhưng lại không nhìn vào mặt khách. Bởi thế, tôi mới có cảm giác bà chủ quán này có vẻ gì giống như sự kiêu sa. Ly cà phê được pha bằng một bí kíp riêng, không chiều theo khẩu vị và thị hiếu của khách. Hình như chị cũng không muốn chinh phục ta. Nhưng chính vì thế, ta lại bị chị chinh phục.
Đây chính là điều thú vị nhất của cuốn sách này. Đọc Anh Thư, không hiểu sao, tôi cứ nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nga nổi tiếng thế giới Epghenhi Eptusenko, qua bản dịch của nhà thơ Bằng Việt:
Có người sống suốt một đời lặng lẽ
Quen với thứ lặng thinh không tô vẽ cho mình
Thì chính cái lặng thinh nhường ấy
Biến họ thành đáng nhớ với xung quanh…
Anh Thư là người “lặng thinh đáng nhớ” như thế. Đó là cái khả năng rất đặc biệt của chị. Không phải ngẫu nhiên, chị lại chọn tản văn để trải lòng mình. Tản văn là thể loại tưởng như đơn giản, dễ viết, nhưng viết được hay lại khó vô cùng. Khó bởi lượng chữ ít, lại không có cốt truyện, nhân vật, cũng không có cả đối thoại, thế thì biết lấy gì để níu giữ người đọc, nếu không có duyên văn? Đã thế, như tôi nói, Anh Thư lại có vẻ kiêu kỳ. Bởi hình như, chị lãng quên người đọc. Chỉ trải lòng mình với chính mình. Những vấn đề chị bàn, cũng toàn chuyện nho nhỏ, giản dị của chính mình, gia đình mình, cơ quan mình. Một sắc hoa. Một căn nhà. Một nếp váy áo. Những sinh hoạt công sở. Giây phút châng lâng, giống như sự xao lòng. Rồi đến những người dưng. Cả chuyện… mãn dục... Bàn đến cả những bụi bặm của đời thường mà vẫn trong sáng, tươi tắn. Đó là cái nhìn riêng của phụ nữ, lại tinh lọc qua tâm hồn phụ nữ, bởi thế rất tinh tế. Tôi đặc biệt quý những mảng chị bàn về chuyện vợ chồng. Chỉ một chút lơ đễnh, sao nhãng những chăm chút tưởng như nhỏ nhặt, nhưng lại có thể mất nhau, dẫn đến sự tan vỡ gia đình, dù cả hai đều rất tốt. Nói như thi sĩ Bế Kiến Quốc: “Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng – Sao bóng hoa trên tường lại đen?”. Có lẽ cũng vì thế, đọc Anh Thư, ta thấy chị rất thật. Và rồi, đi hết lòng mình, chị lại gặp đồng loại. Nỗi niềm riêng của chị, cũng là tâm sự của chính chúng ta. Bởi thế, đọc chị, ai cũng có cảm giác như mình được chia sẻ. Đó là điều thú vị nhất khi đến với Anh Thư.
Và tôi tin, rất tin, “ly cà phê” trong “quán vắng” này sẽ làm quý khách yêu thích.