Đã không ít lần, người ta bàn đến chuyện di chuyển ga Hà Nội về phía Nam thành phố, nhưng rồi lại ngập ngừng xem xét. Vậy là cho đến nay, tiếng còi tàu vẫn lảnh lót báo hiệu một ngày về, và lại mỗi sớm mai những nhịp tàu vui lên đường về mọi nẻo đường xa. Mỗi khi nghe tiếng còi tàu vút lên trong không trung, một cảm giác của sự chia tay và hò hẹn lại rộn ràng trong tôi. Một nỗi bâng khuâng đan xen trong miền ký ức dội về và nghe đâu đây, giọng hát của một thời hoa đỏ ngân vang, con tàu đi suốt một mùa vui. Và thế là tôi đánh dấu cho nỗi nhớ của tôi về sân ga Hà Nội một thuở, với con số lẻ 111. Những con số đầu bảng đếm như những toa tầu dẫn lối, và để có thể nối tiếp những toa tầu mới, nhịp nhàng vun vút về muôn nơi.



NỖI NHỚ SỐ 111  

CHUNG TỬ

        Vì sao vậy, con số lẻ ấy đánh dấu một chặng đường, một quãng thời gian đủ để ta có thể gọi tên là ký ức ga Hàng Cỏ. Bởi nếu tính từ ngày khánh thành ga Hàng Cỏ, vào tháng 4 năm 1902, đến nay tính tuổi cho nó vừa chẵn ba con số 111, nghĩa là đã ngần ấy tuổi. Cùng thời nó, là cây cầu Long Biên hiện lên như một con rồng đúng với nghĩa là bay qua sông Hồng. Và chuyến đi đầu tiên vào ngày đó, từ ga Hàng Cỏ, con tầu hồi hộp rúc lên tiếng còi thứ nhất trong đời đi trên cầu Long Biên để xuống Hải Phòng. Vậy còn ai để nhớ không, khi đi trên chuyến tầu đầu tiên vượt qua con sóng sông Hồng, với sự nôn nao khó tả. Chắc khó vì đã 111 năm. Nhưng mà tôi lại nhớ cùng với những ký ức của một nghệ sĩ là công dân của “quân khu ga”, như cách gọi một thời kể lại. Đó là NSƯT Trần Hạnh, ông được sinh trưởng trong tiếng còi tầu ga Hà Nội, nay đã 84 tuổi. Ông nghe bố ông kể lại rằng, xưa trước nhà ông là một khu chợ cỏ của những người nhà quê lên bán cho những người lính nuôi ngựa cho ông chủ người Tây, hay những người đi xe ngựa thồ hàng về những miền xa. Rồi đầu năm 1902, người ta đến dẹp những người sinh sống chung quanh dạt ra xa để xây nhà ga tầu hỏa. Ngày ấy ai cũng gọi đó là một tòa biệt thự, vì nó qua lớn, thật nguy nga tráng lệ xóa tan đi cái lạnh lẽo âm u một thời của cái thôn Tiên Mỹ thuộc huyện Thọ Xương xưa, lay lắt bao đời ở nơi đây. Người ta đặt tên là ga Hàng Cỏ.
        Người nghệ sĩ già ấy lại kể, từ đó ông cũng chứng kiến bao sự chia ly từ con đường tàu này. Đó là những chuyến đi xa của hàng ngàn người nghèo đi biệt xứ làm cu ly và đi lính đánh thuê. Tiếng còi tầu nghe sao da diết buồn thương như tiếng hú đưa người đi vào cõi chết. Nói là đi “Tân thế giới”, nói là xung vào đội quân lê dương, nhiều tiền và bay nhảy muôn nơi, nhưng đó là một chuộc chia ly trong nỗi đau dằng dặc không hẹn ngày về. Chính ở gần đó, trong ngõ Chấn Hưng xưa, nay là Ngô Sĩ Liên, còn có gia đình của cố nhạc sĩ Dzoãn Mẫn, người đã sáng tác bài hát “Biệt ly” để bày tỏ nỗi buồn của những cuộc chia tay cùng nước mắt của những cô gái tiễn người yêu lên con tầu đi xa. Ông đã hát lên những lời gan ruột thay họ, với những câu ca: “Biệt ly, nhớ nhung từ đây. Chiếc lá heo may. Người về có hay?...Ôi! còi tàu như xé đôi lòng”. Rồi nữa, người nghệ sĩ già còn nhớ đến nạn đói năm 1945, những chuyến tàu phải chở người chết đi ra ngoại thành chôn cất. Những xác gày trơ xương vì bao ngày không có nước lã cầm hơi, chứ chưa nói đến một hụm cháo để mong thoát khỏi cái chết do giặc Nhật và Pháp gieo bao tang tóc cho dân tộc mình. Cặp mắt ông nhăn nheo nhỏ lệ vì những ký ức với tiếng còi tầu thê lương tiễn người về cõi...

      Và chẳng bao lâu, khi Cách mạng tháng Tám thành công, dân kẻ chợ ga Hàng cỏ, ngày ấy như có ngọn lửa ấm trong tâm hồn. Họ chờ đợi, với bao khát vọng sự đổi đời. Họ tràn ra cả đường ga để đón những chiến sĩ trong dòng người đi cướp chính quyền, với khí thế thiêng liêng, rạo rực trong tiếng còi tầu vang lên vào ga Hàng cỏ...Sau đó, ga Hàng Cỏ còn là chứng nhân lịch sử cho những cuộc dịch chuyển của những đoàn quân theo lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ, cùng với sự vùng lên của quân và dân ta, suốt 25 ngày đêm chiến đấu, giành giật từng mét đất trong ga Hàng Cỏ, để ghìm chân kẻ địch, thu nhiều súng đạn, vũ khí, sau đó rút lui an toàn lên chiến khu Việt Bắc. Từ đó, tiếng còi tầu như nỗi khắc khoải chờ mong ngày các chiến sĩ trở về trong chiến thắng. Những ước mơ cháy bỏng của đồng bào thủ đô, đó là độc lập, tự do và dân chủ. Họ chờ đợi tiếng còi tầu chiến thắng và hân hoan khi đoàn quân chiến thắng. Giây phút ấy chính là vào ngày 10-10-1954, sau chin năm chờ đợi, tiếng còi tầu rạo rực đã ngân vang chào đón những chiến sĩ Điện Biên trở lại thủ đô. Những đoàn tàu lại đi ngược về xuoi với bao niềm vui. Ga Hàng Cỏ ngày ấy lắng đọng với niềm vui khôn tả. Lúc này đây, nhạc sĩ Dzoãn Mẫn không còn phải tấu lên khúc “Biệt ly” nữa, mà thay bằng những lời ca cháy bỏng, với niềm vui của độc lập và tự do của dân tộc : “Người bước đi, lòng mong ước hát khúc hoàn ca. Chiến thắng ngày trở về mang ngàn tươi sáng hiến cho đời...”. Và bản nhạc vang lên trên sân ga, cùng tiếng còi tầu ngân rung, với khúc khải hoàn “Giải phóng thủ đô” của Văn Cao và “Chiến thắng Điên Biên” của Đỗ Nhuận, trong niềm vui bất tận...

      Nhưng rồi 18 năm sau, ga Hàng Cỏ lại đứng trước một thử thách  bom đạn của giặc Mỹ xâm lược, điên cuồng đánh phá miền Bắc. Chúng hòng chặn các chuyến tàu chi viện cho chiến trường miền Nam. Những trái bom rơi xuống nhưng không hề làm quân và dân thủ đô nao núng. Đảng bộ ga và cán bộ CNV chấp nhận mọi hy sinh gian khổ tiếp sức cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, giữ vững huyết mạch giao thông, chi viện cho quân và dân ta ở miền Nam, ngày càng đánh to thắng lớn. Ngay kể cả khi máy bay giặc Mỹ ném bom trúng ga, ngày 21-12-1972, các chuyến tàu vẫn lên đường dưới đạn bom khốc liệt, với tình thần thép “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga”. Những công nhân hỏa xa đều trở thành những người chiến sĩ của một thủ đô anh hùng. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chiến đấu quật cường với đạn bom. Trong thời gian này nhiều cá nhận và tập thể của nhà ga đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu anh hùng.

       Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân thủ đô, giặc Mỹ thua tan tác, chiến trường miền Nam ngày càng thắng lợi giòn giã. Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước. Ngay năm sau, cán bộ CNV ga Hàng Cỏ cũng bắt tay vào xây dựng lại, khắc phục hậu quả mà bom đạn Mỹ đã gây ra. Tòa nhà chính đã được xây lại mới và hoàn chỉnh năm 1976. Từ đó, ga Hàng Cỏ được đổi tên ga Hà Nội. Và niềm vui to lớn đến mọi người, khi chuyến tàu đầu tiên thông tuyến xe lửa thống nhất, giữa hai miền Bắc-Nam, vào ngày 4-12-1976, sau hơn 20 năm gián đoạn.

      Thế rồi, mọi ký ức của người nghệ sĩ già đã gợi trong tôi biết bao cảm xúc xao xuyến, khi cùng ông nghe tiếng loa vang lên ca khúc “Tàu anh qua núi” của Phan Lạc Hoa qua tiếng hát của NSND Thanh Hoa. Có lẽ tính đến nay, đã 38 năm đất nước đã hoàn toàn thống nhất, nhưng bài hát này khó có thể thay thế. Hình như nhạc sĩ này đã viết cho cả một thế kỷ chứ không phải cho một thời đoạn, vì ông đã hát lên rằng: “Ngày hôm nay thênh thang con đường lớn, tàu anh đi trong yêu thương chào đón...Đi ra Bắc hay vào Nam, là thương nhau, em bắc cầu cho anh tới. Là yêu nhau...”. Ga rạo rực là thế, với những niềm vui đổi đời, khi họ đang dự tính mở thêm một đường sắt trên cao, mà bến đỗ bắt đầu từ đây. Một đường sắt từ ga Hà Nội cho đến Nhổn, chia làm hai phân khúc, một nửa nổi và một nửa ngầm, tạo nên một mô hình mới hiện đại cho ngành đường sắt trong tương lai.

        Giờ đây, nếu bạn vào ga mua vé đã có phòng lạnh để cho khách chờ đợi, và xếp hàng theo bảng số điện từ hiện lên. Những căn phòng thênh thang đúng như sự mở cửa của cơ chế mới. Đón chào và chu đáo với khách hàng, cũng như tận tình với mọi tình huống xẩy ra. Người nghệ sĩ già có hẹn với tôi rằng sẽ đi một chuyến tầu đến địa điểm diễn chứ không đi ô tô như ngày trước nữa. Tầu đi nhanh với vận tốc nhanh và êm ru với nhịp điệu mới. Và để nghe xem “Tầu anh qua núi” thế nào. Cho dù chẳng thể quên nỗi niềm trong sự “Biệt ly”, bởi tiếng còi tầu đau xé lòng người một thuở, thì những con tàu vẫn vùn vụt vận hành trong tốc độ mới. Và, con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui, chạy dọc thế kỷ 21 đầy mơ ước.