Nhiều tác giả Việt Nam cũng thích dấn thân vào địa hạt của văn chương tính dục. Nhưng cách mà họ viết về sex có lẽ còn nhiều điều đáng bàn. Dẫu cho Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu ra mắt trước đó đã gây nhiều ý kiến trái chiều về việc miêu tả sex trong đó, hàng loạt tác phẩm miêu tả sex vẫn xuất hiện khá dày trên các kệ sách như Ngày hoàng đạo của Nguyễn Đình Chính; Trả giá, Cõi mê của Triệu Xuân, Dại tình của Bùi Bình Thi... Trong một diễn biến khác, tác phẩm I am đàn bà của nhà văn Y Ban từng bị Cục Xuất bản thu hồi vì có những đoạn mô tả khá tự nhiên, tỉ mỉ về tình dục, Sợi xích của Lê Kiều Như bị đình chỉ phát hành ngay trong ngày ra mắt.




Một số người viết văn đang ngộ nhận về sex?

XUÂN TIẾN

Tính dục trong văn chương là vấn đề đã xuất hiện và định hình ở các nước phương Tây từ rất lâu. Thậm chí, yếu tố này trở thành điểm nhấn trong một số tác phẩm vào loại kinh điển của thế giới. Tuy nhiên, cũng giống như nhiếp ảnh khỏa thân, nó lại là một vấn đề khá nhạy cảm trong xã hội Việt Nam. Đã có một số tác phẩm bị thu hồi, một số tác phẩm bị phê phán là phản cảm, dung tục. Đã có một số tác phẩm bị gắn mác “thảm họa”, câu khách rẻ tiền. Các nhà văn, đặc biệt là các cây bút trẻ thi nhau bức xúc vì cho rằng họ đang bị nhà quản lý và độc giả hiểu sai lệch về một phương thức viết mới mẻ này. Câu hỏi đặt ra là, liệu chính bản thân người viết đã ý thức đủ và hết khi sử dụng yếu tố sex trong tác phẩm văn chương của mình hay chưa?
Hầu hết các nhà phê bình đều nhận định chung rằng, những chi tiết sex được vận dụng trong các tác phẩm của Haruki Murakami, nhà văn Nhật Bản từng lọt vào danh sách ứng cử giải Nobel văn học năm 2012, là một nét văn hóa, là nơi con người trốn nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng đang hàng ngày bủa vây quanh mình. Đó là lý do mà những tác phẩm của ông như Rừng Na Uy, Người tình Sputnik, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới, Bóng ma ở Lexington... vẫn được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Giả Bình Ao cũng dùng sex để mô tả tâm lý nhân vật, nhưng ông lại có một cách... nói giảm nói tránh vừa rất ý nhị lại vừa rất hài hước khi viết: “Đoạn này tác giả tự lược đi 50 chữ!” khi viết đến chỗ hai nhân vật sắp có chuyện chăn gối.
Nhiều tác giả Việt Nam cũng thích dấn thân vào địa hạt của văn chương tính dục. Nhưng cách mà họ viết về sex có lẽ còn nhiều điều đáng bàn. Dẫu cho Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu ra mắt trước đó đã gây nhiều ý kiến trái chiều về việc miêu tả sex trong đó, hàng loạt tác phẩm miêu tả sex vẫn xuất hiện khá dày trên các kệ sách như Ngày hoàng đạo của Nguyễn Đình Chính; Trả giá, Cõi mê của Triệu Xuân, Dại tình của Bùi Bình Thi... Trong một diễn biến khác, tác phẩm I am đàn bà của nhà văn Y Ban từng bị Cục Xuất bản thu hồi vì có những đoạn mô tả khá tự nhiên, tỉ mỉ về tình dục, Sợi xích của Lê Kiều Như bị đình chỉ phát hành ngay trong ngày ra mắt.
Đấy là chưa kể một số bạn trẻ muốn thành nhà văn nổi nhanh cũng hào hứng thêm sex vào truyện như một yếu tố tất yếu. Các tác giả cho “gia vị” sex tung hoành trên các trang viết như chính bản thân mình đang cố lao vào một thế giới văn chương rộng lớn mà quên mất rằng sex cũng chỉ là một phần nội dung của cuốn sách mà họ đang viết. Tức là cũng như những nội dung khác như chính trị, chiến tranh, hình sự, cho dù là chủ đề gì, tác phẩm phải chứa đựng đầy đủ những giá trị tinh tế về chân thiện mỹ thì mới có thể được khán giả đón nhận. Một xã hội đang phát triển trong sự đa dạng của toàn cầu và hội nhập, đã cho giới viết trẻ có một cái nhìn thoáng hơn về tính dục. Từ đó, quan niệm viết về tính dục cũng là một con đường đi ngắn hơn, dễ hot hơn. Nhưng, con đường ngắn nhất chưa phải là con đường gần nhất. Sự trần trụi hóa nhục dục trong các tác phẩm văn học trẻ đã đến lúc phải ngân lên những hồi chuông báo động cho thị hiếu thẩm mỹ thưởng thức văn học trẻ.    


Nguồn: Công An TPHCM