Phố huyện An Nhơn  khi ấy ông  chưa được trở về và ông cũng chưa hình dung bao giờ ông được trở về. Kiếp sống xa quê cứ day dứt tâm khảm, làm ông ông không mấy khi được thanh thản. Nó như không nói được thành lời trước bạn bè, mà đôi khi chỉ thấy thốt lên trong thơ như một tiếng nấc. Tôi đã mấy lần được chứng giám cảnh ông đang đọc thơ cho bạn nghe, bỗng ông quay mặt ra phía khác, tay gạt dòng nước mắt. Tôi hiểu, đấy là khi thơ đã nói thay ông được rất nhiều tâm trạng. Tập thơ “Những ngọn đèn”, xuất bản năm 1957, là tập thơ hay của ông. Tuy nhiên, vì thời điểm tập thơ ra đời không được đúng lúc, nên ngay thời đó ông bị phê bình là “tư tưởng tiểu tư sản”. Như để giã từ “tính giai cấp”, ông đã tự chuyển hóa bằng cách lăn xả vào cuộc sống… 


            
                      
               HỒN THƠ Ở BẾN MY LĂNG

                   VŨ TỪ TRANG  
      
           Tôi có cơ duyên thường được gặp gỡ ông vào những năm trước khi ông chuyển về sinh sống ở quê Bình Định. Ngày ấy gia đình ông ở căn phòng tầng hai ngôi nhà cổ phố Hàng Quạt. Còn tôi đương làm phóng viên cho một tờ báo ở phố Hàng Gai. Hễ khi rảnh việc, tôi lại men theo ngõ nhỏ xuyên tắt từ phố Hàng Gai sang phố Hàng Quạt  để hầu chuyện ông. Nói là hầu chuyện, nhưng thực ra có khi cả buổi ngồi lặng lẽ uống trà với ông. Ông vốn không phải là người cao đàm khoát luận gì, tính ông ưa lặng lẽ. Hễ bốc lên, ông nói một thôi một hồi rồi lại lặng thinh. Có khi ông lai rủ rỉ rù rì đọc thơ khúc trầm khúc bổng. Con người ông không qúa vồ vập, nhưng lại không phải là người lạnh nhạt. Ở ông luôn toát lên vẻ dễ gần, dễ thân thuộc. Ông là người cần cù chịu khó. Hầu như chưa lần nào đến tôi thấy ông ngồi yên. Khi thì thấy ông ngồi viết ngồi đọc, khi thấy ông  xếp sắp mấy tập vở đang viết dở, khi thấy ông đang khâu vá vật gì đó, khi thấy ông đang say mê tưới tắm cho khóm hồng ngoài ban công. Cái ban công nho nhỏ mà hình như đã hỏng cả tay vịn lan can, nhưng hoa hồng thì luôn nở rất đẹp. Tôi biết ông yêu hoa hồng lắm. Loài hoa kiêu sa ấy ai chẳng mê, nhất là ông lại là thi sỹ, chẳng thế mà năm 1968, ông có tập thơ với tên sách “Lẵng hoa hồng”.
    Với tôi, thơ của ông là một thứ ma mị. Ngay từ thưở thập thững vào nghiệp văn chương, tôi đã chép trong sổ tay nhiều bài thơ của ông. Ngày đó thơ của ông không được phổ biến rộng. Nhưng những bài “Lại về tỉnh nhỏ”, “Phù Ly”, nhất là bài “Bến My Lăng” thì ám ảnh tôi vô cùng. Tôi hình dung cái bến sông với con đò âm âm u u, như trôi trong cô tịch,
                Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
                Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
                Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
                Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Tôi đã tự hỏi không biết nhà thơ là ông lão lái thuyền kia? Hay là chàng kỵ mã áo ngọc lưu ly nhúng đầy trăng? Hay là ngọn gió đìu hiu tịch mịch? Tôi biết đó là tâm trạng cô đơn vô cùng của ông giữa cảnh đời vừa thực vừa rất nhiều chất liêu trai.
Mảnh đất Bình Định của ông vốn là đất võ, nhưng nó lại vô cùng lãng mạn với sông Côn và biển Tam Quan xanh mát bóng dừa. Chính mảnh đất thành Đồ Bàn đã nảy sinh ra nhóm tứ hữu, mà họ ngạo mạn, tự tin phong cho nhau danh hiệu tứ linh: long-lân-quy-phượng. Đó là tứ kiệt trong văn chương nước Việt: Hàn Mặc Tử-Yến Lan- Quách Tấn- Chế Lan viên. Theo ông kể, sinh thời nhóm Bàn Thành Tứ Hữu này sống rất thân thiết và bình đẳng. Cái mà họ tôn thờ cao nhất, ấy là thi ca. Thi ca là cõi đền đài cho họ gắn bó nhau và cùng soi vào đó để vươn tới vẻ đẹp thánh thiện.
 Nhà thơ Yến Lan còn lưu giữ mãi ấn tượng cuộc gặp gỡ giữa ông và thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ấy là buổi sáng ngày chủ nhật giữa năm 1930, khi ông đang mải ngồi chép thơ mình mới sáng tác vào cuốn sổ tay bên mái chùa Ông quê nhà, thì đúng lúc nhà thơ Hàn Mặc Tử đưa nhà văn Nguyễn Công Hoan vào viếng cảnh chùa. Hàn thi sỹ nhìn thấy chàng trai mải chép thơ và thế là họ thành bạn của nhau. Theo tuổi khai sinh, Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, Yến Lan sinh năm 1916, Chế Lan Viên sinh năm 1920 và Quách Tấn sinh năm 1910. Tuy tuổi tác chênh lệch, vậy mà họ rất tri âm tri kỷ. Thi ca là cây cầu nối  họ khăng khít lại với nhau. Sau buổi vào Quy Nhơn, tới ngôi nhà 20 Khải Định thăm thi sỹ họ  Hàn, con người tinh thần của Yến Lan như thay đổi hẳn. Những vần thơ bãng lãng, mà trau chuốt và lãng mạn của ông như hồi hộp và quặn thắt hơn. Thưở ấy, nhóm Bàn Thành Tứ Hữu xuất hiện  đã gây tiếng vang và làm nghiêng ngửa nhiều nhóm thi ca đang nở rộ trong văn đàn ba miền Bắc Trung Nam. Đấy là thời  hưng thịnh của thi ca nước nhà. Vị thế nhà thơ được đề cao hết mức. Đấy là thời mà ông Yến Lan cũng như các thành viên trong Bàn Thành Thi Hữu say đắm tạo ra những vần thơ mới làm quyến rũ và đắm say bao lòng người. Lòng say mê sáng tạo với ông như khó có độ nào hơn cái thời đận ấy. Hễ ông và bạn bè viết được câu thơ, bài thơ nào mới là vội tìm nhau đọc cho nhau cùng nghe. Lầu cửa Đông thành Bình Định ngày ấy là nơi chiều chiều họ cùng đến để gặp gỡ nhau, đàm đạo văn chương. Bàn dân thiên hạ nom thấy bốn chàng trai Bàn Thành Tứ Hữu là như thấy bốn cánh chim thi ca tung cánh bay trong con mắt tự hào và thán phục của họ .
    Thời trẻ, Yến Lan trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Nhưng có lẽ nghề gõ đầu trẻ là nghề bám đuổi dai dẳng với  ông hơn cả. Nghiệp dạy học như cũng để ông gần với chữ nghĩa nhiều hơn. Ngoài dạy trẻ học chữ quốc ngữ, thầy giáo tư thục Lâm Thanh Lang- tên thật của nhà thơ Yến Lan, thường đọc thơ Đường, thơ Pháp cho  lớp học trò nghe, giảng giải, phân tích và đưa các em  dần tiếp cận vẻ đẹp sâu lắng của Đường thi và chất đắm say lãng mạn của thơ Pháp. Năm hai mươi tuổi, ông cùng Chế Lan Viên ôm hòai bão xuất bản môt tờ báo riêng lấy tên là tờ Tiếng Địch, hòng lấy đó làm nơi ngôn luận phát biểu, tuyên ngôn quan niệm của mình về thi ca nghệ thuật. Tiếc là tờ Tiếng Địch mới phát hành được một số, thì hai chàng thi sỹ hết tiền không in nổi báo số báo thứ hai nữa. Tuy tờ báo bị chết yểu, nhưng đã đủ tạo tiếng vang  trong văn đàn báo giới. Nó phản ánh ý chí, khát khao của những con người luôn muốn tìm cái mới, không chấp nhận cuôc sống buồn tẻ, nhàm chán của lớp trí thức trẻ thời bấy giờ.
    Yến Lan là người sớm nổi tiếng. Tập thơ đầu tay “Bến My Lăng” của ông tuy chưa được xuất bản, thơ ông mới in rải rác trên các báo Phụ nữ, Tiểu thuyết thứ Năm, Nghệ thuật... vậy mà khi Hoài Thanh- Hoài Chân soạn cuốn Thi nhân Việt Nam đã phải viết “Xem thơ Yến Lan, tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông, và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình  Định. Ngoài ra chịu không biết sau màn mây mù ấy có gì không.” Bài viết vào tháng 10 năm 1941, ấy là khi nhà thơ mới có hai mươi nhăm tuổi. Thơ của ông, cũng như thơ của các nhà thơ trong nhóm Bàn thành tứ hữu sớm khẳng định giọng điệu, phong cách sáng tạo của phong trào Thơ Mới. Nói đến  thơ mới, là không thể không nói đến thơYến Lan .
                   Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã
                   Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
                   Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
                   Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

                   Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
                   Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
                   Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
                   Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Cái gốc muôn đời của thơ, ấy là cảm xúc. Cảm xúc trong thơ Yến Lan bao giờ cũng trào dâng và quặn thắt. Tuy nhiên nó lại như tinh sạch quá, kỹ càng quá. Có người nói,  đó là thế mạnh trong thơ ông, và âu cũng là cái giới hạn trong thơ ông chăng?! Bài “Nhớ”, trong tập “Bến My Lăng” và cũng được in trong tập “Thi nhân Việt Nam” cũng có những câu thơ kỹ càng tới mức kỳ tài.
                    Tôi nhớ trên đường bao vảy lá
                    Mà thu vàng rụng giữa ngày khô !
Những vảy lá và thu vàng rụng ngày khô, nghe như hơi hướng thơ xưa. Nhìn chung, thơ Yến Lan cũng như thơ  Quách Tấn, có phảng phất hơi hướng của mùa cổ điển. Đó là sự ảnh hưởng trong kết cấu và trong âm hưởng cảm xúc.Tuy nhiên, thơ ông đôi lúc lại có những nét tung tẩy, buông bắt rất đáng yêu .
                    Tỉnh nhỏ
                    đìu hiu
                    mặt trời chiều
                    ngủ trên mái rạ
                   ... Tỉnh nhỏ
                    cô em
                    nằm xem
                   kiếm hiệp
Nhưng phải ghi nhận những vần thơ ông viết về quê hương  đã đạt  mức huyền ảo. “Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc. Em nằm  thương xanh biếc của trời buồn”. Những vần thơ đắng đót mà như chỉ ở ông mới có. Phải chăng nó là cảnh ngộ riêng của ông?! Bài thơ tứ tuyệt “Khi chị đi lấy  chồng” như xoáy vào tâm gan người đọc.
                     Khế chua chị nấu lá mồng tơi
                     Em ước cùng ăn đến trọn đời
                     Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục
                     Chị đi- bát đũa cũng mồ côi.
Sinh thời, ông đã đọc đến mấy lần bài thơ này cho tôi được nghe ở căn gác nhỏ 37 Hàng Quạt mà ông và gia đinh ông đang trú ngụ. Đấy là thời bài thơ chưa được công bố, tình hình đất nước còn chia cắt. Phố huyện An Nhơn  khi ấy ông  chưa được trở về và ông cũng chưa hình dung bao giờ ông được trở về. Kiếp sống xa quê cứ day dứt tâm khảm, làm ông ông không mấy khi được thanh thản. Nó như không nói được thành lời trước bạn bè, mà đôi khi chỉ thấy thốt lên trong thơ như một tiếng nấc. Tôi đã mấy lần được chứng giám cảnh ông đang đọc thơ cho bạn nghe, bỗng ông quay mặt ra phía khác, tay gạt dòng nước mắt. Tôi hiểu, đấy là khi thơ đã nói thay ông được rất nhiều tâm trạng.
Tập thơ “Những ngọn đèn”, xuất bản năm 1957, là tập thơ hay của ông. Tuy nhiên, vì thời điểm tập thơ ra đời không được đúng lúc, nên ngay thời đó ông bị phê bình là “tư tưởng tiểu tư sản”. Như để giã từ “tính giai cấp”, ông đã tự chuyển hóa bằng cách lăn xả vào cuộc sống. Những ngả đường đất nước, những vạt đồi nông trường, những cánh đồng hợp tác xã đã cuốn hút ông và đem đến cho ông những cảm xúc tươi rói. Những bài “Bài thơ hợp tác thôn tôi”, “Theo gió xuân lên biên giới”... là kết quả của những chuyến đi thực tế và lăn xả vào cuộc sống của nhà thơ. Trong con người thi sỹ của ông, thì thái độ công dân của ông luôn rõ ràng. Thời chiến tranh chống Mỹ, ông có những bài thơ hay về chiến thắng Bình Giã, Vạn Tường. Ông là người có sở trường viết thơ tứ tuyệt. Phải chăng thể loại thơ này nó hợp với những cảm xúc cô đọng, súc tích và có chút hoài niệm?! Trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu, có hai nhà thơ cự phách của thể thơ tứ tuyệt, ấy là Quách Tấn và Yến Lan. Sinh thời, nhà thơ Yến Lan rất phục tài thơ tứ tuyêt của Quách Tấn. Tôi nhớ có lần được nhìn ông trịnh trọng cởi mấy lớp giấy bóng kính để lấy ra tập thơ tứ tuyệt của bạn ông là Quách  Tấn gửi tặng . Tôi không tiện hỏi là đường dây nào đã chuyển ấn phẩm thơ in từ Sài Gòn ra tặng ông. Tôi lơ mơ hiểu rằng tập thơ được chuyển đường vòng từ Sài Gòn sang Pa-ri và từ Pa-ri gửi về Hà Nội và qua rất nhiều kiểm duyệt nhiêu khê. Tôi được đọc ngấu nghiến mấy chục bài thơ tứ tuyệt và bái phục ông Quách Tấn. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mang máng, đó là những vần thơ thương nhớ quê hương và nỗi cảm khái của người không xu thời mẫn thế.Tôi còn nhớ nhà thơ  Yến Lan vừa đọc vừa giải thích cho tôi nghe về một địa danh nào trong thơ, hoăc một vài ngôn ngữ địa phương. Khi đó, có bài tôi chưa hiểu lắm, hoặc không hợp tâm trạng mình; nhưng tôi thấy bài nào cũng toát lên lòng yêu nước, yêu dân tộc. Tôi còn nhớ dáng vẻ vừa xuýt xoa nhớ bạn, phục thơ bạn; và động tác vừa phải dấu diếm rất tội nghiệp của ông khi ấy. Bây giờ, thơ Quách Tấn đã được in ấn công khai và đầy đủ. Tôi càng thấy tình yêu quê hương xứ sở tới mức xót xa của người thi sỹ tiêu biểu của mùa cổ điển trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu dạo nào và càng thấy tình bạn thủy chung khăng khít của họ.
    Sau ngày đất nước thống nhất, ông vội khăn gói cùng người vợ hiền đáp tầu hỏa về quê. Có người hỏi: sao ông không vào Sài Gòn hay ra Đà Nẵng sinh sống cho thuận tiện? Ông không trả lời, mà mấy ai hiểu tâm trạng của ông. Với ông, quê hương là nỗi niềm canh cánh bao năm trời. Dòng sông, mảnh vườn, mái nhà và cái bến sông My Lăng như vẫn âm âm u u trong tâm cảm của ông đã mấy chục năm trời . Đấy là bến sông ảo vọng, nhưng nó như có đời sống thực sống cùng suốt cuộc đời ông. Tôi hình dung ngày trở về cố hương của ông, sau phút hàn huyên với người thân sau bao năm xa cách, hẳn ông lại đi tìm cái bến sông mơ hồ trong cảm xúc đó. Tôi không hình dung nổi buổi hội ngộ giữa ông và nhà thơ Quách Tấn nó chan chứa cảm xúc bao nhiêu?! Nhưng tôi chắc hẳn rằng hai ông sẽ dành cho nhau những giây phút bình yên nhất, để đọc cho nhau nghe  những vần thơ gan ruột của mình; cùng nhớ lại thời trai trẻ tung hoành, cùng ôn lại kỷ niệm một thưở của Bàn Thành Tứ Hữu như mới ngày nào, mà nay hai mái đầu đã  bạc.
            Bình tĩnh đọc laị một cách hệ thống những sáng tác của nhà thơ Yến Lan, thì thấy mảng thơ đề tài quê hương luôn nặng trĩu trong tâm cảm ông. Đương nhiên, với bất kỳ nhà thơ nào, thì quê hương vẫn là niềm thương nhớ, nhưng tôi thấy nỗi nhớ quê của ông như luôn đầy, nặng. Không kể những tập thơ khác, riêng tập thơ tứ tuyệt của ông đã có hơn trăm bài ông viết về quê hương và những người thân ở quê hương ông.
            Có thể dẫn ra bất kỳ bài thơ nào cuả ông đều thâý nỗi niềm âý.
                                 Khói quyện đầu ô, nửa xóm nhòa
                                 Tàu dừng đổ khách, sắp rời ga
                                 Đồng hương kẻ xuống, người ra đón
                                 Mình suốt đời đi chửa tới nhà.
                                                        ( Tàu ngang quê cũ )
             Hoặc là :
                                 Đò ngang gối bãi, bóng trăng lồng
                                 Chợ khuất sương chiều mắt trẻ trông
                                 Ta ước như em còn có mẹ
                                 Dẫu cùng đăm đắm một ven sông
                                                         ( Chờ )
             Bến My Lăng, cái bến tưởng tượng trong tâm trí của ông, sau hơn ba mươi năm xa cách, nay gặp lại:
                                 Thăm quê về lại bến trăng xưa
                                 Còn tưởng đêm nay đứng gọi đò
                                 Chưa kịp nhớ ra lòng có hẹn
                                 Chèo ai cập bến đã vang khua.
                                                        ( Qua bến My Lăng )
               Tâm hồn ông vốn đan chéo tâm sự. Ông thèm khát về quê, vậy mà khi ở quê rồi, ông lại thao thức nhớ ngôi nhà ngoài Hà Nội một thời ông đã sống :
                                 Nghe tràn gíó bấc chuyển vào đông
                                 Tìm hướng nhà xưa rợp cúc, hồng
                                 Đâu nỡ trách quê tình giục gĩa
                                 Chỉ lo con trẻ bỏ hồng không.
                                                       ( Nhớ hoa hồng nhà 37 Hàng Quạt )
     
               Cái tâm trạng vừa bãng lãng vừa quặn thắt, vừa trào dâng vừa lắng đọng, nó như đi xuyên suốt chặng đường sáng tạo thi ca của ông, tạo ra phong cách thơ riêng của ông.
              Ông có một gia đình yên ả. Tình cảm vợ chồng tao khang, tôi như nhận rõ được ở gia đình ông. Những ngày gia đình ông còn ở Hà Nội, hễ đến bất kỳ khi nào, tôi đều nhận cảm được điều đó. Bà Lan, người vợ hiền thục của ông không phải người Huế, vậy mà tôi luôn ngỡ bà là người Huế. Phải chăng phong cách sống của bà luôn gợi cho tôi liên tưởng đó. Bóng dáng người vợ dịu dàng, khuôn phép như thường thoáng hiện trong thơ ông. Bạn bè ông vẫn kể giai thoaị thời trai trẻ có hai người con gái mà ông hết mực qúy mến, đấy là cô Yến và cô Lan. Ấy rồi cô Lan thành vợ ông và ông đã lấy tên hai người con gái từng ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của ông ghép thành tên bút danh Yến Lan. Thửơ ông sinh thời, tôi đã mấy lần định hỏi xác minh lại điều này, vậy mà tôi không dám, vì thấy giai thoại có gì cao đẹp qúa. Những năm tháng cuối đời ông ốm đau liên miên. Trong ngôi nghà nhỏ ở ven chợ An Nhơn, người ta thường thấy cảnh bà bưng bát thuốc mời ông uống cho giảm bệnh, một tay bà cầm quạt giấy phe phẩy cho ông qua cơn nóng bức. Đã vậy, bà còn là người thư ký riêng, cặm cụi chép những vần thơ ông vừa sáng tác. Tuyển tập thơ tứ tuyệt của ông vừa được Nhà xuất bản Văn Học cho ấn hành tháng 9 năm 2006, là do công sức lớn của bà Lan. Đọc tập thơ gần năm trăm bài thơ tứ tuyệt của ông, tôi phục sức làm việc của ông một phần, một phần phục công chăm sóc của bà để tập thơ ra đời. Tôi hình dung cảnh bà ngồi lặng lẽ chép thơ của ông và cảnh bà đi gõ cửa Nhà xuất bản xin giấy phép và bà gom góp số tiền lương hưu ít ỏi của mình để in tập thơ cho ông, tôi ứa nước mắt cảm động. Hỏi đời nhà thơ có hạnh phúc nào hơn với nghĩa cử của người vợ  lo cho tác phẩm của mình như thế?!
              Mùa hè 2006, có dịp vào Sài Gòn,  tôi cố tìm đến căn nhà Lâm Huy Nhuận ở cuối đường Bình Quới, hòng kiếm tìm thêm chút tư liệu về nhà thơ của bến My Lăng. Lâm Huy Nhuận- con trai của thi sỹ Yến Lan, anh là nhà thơ trưởng thành thời chống Mỹ, với tính khí sôi động ồn ã, khác hẳn tính nho nhã của cha. Lâm Huy Nhuận có thể uống rượu đọc thơ ào ạt trước đám đông; nhưng khi nhắc đến người cha thi sỹ của mình, bỗng anh trầm giọng lại. Anh nói cha anh cho anh ý chí làm người và dạy anh làm nghệ thuật phải bằng tấm lòng yêu thương đích thực.Tôi nhớ một thời nhà thơ Hoài Anh, nhà thơ Võ Văn Trực thường kể chuyện rằng rất tự hào từng là học trò yêu của nhà thơ Yến Lan. Sinh thời, ông luôn nhiệt tình kèm cặp các nhà thơ trẻ. Ông thường tâm sự, muốn làm nhà thơ, trước tiên hãy làm con người tốt. Và với thơ , điều tối kỵ là viết dối, viết cẩu thả. Với tôi, nỗi nhớ ông thường âm thầm và tự nhiên. Trên đường đi đâu đó, hễ chợt gặp một phố huyện nhỏ bé nào, tôi lại tự nhiên liên tưởng và bất thần nhẩm đọc vần thơ “ Tỉnh nhỏ đìu hiu...” của ông mà tôi thuộc tự khi nào. Khi ấy, tôi như thấy  giải tỏa được rất nhiều tâm trạng của mình.