Có một điều tôi muốn nói mà có vẻ như mâu thuẫn một chút ở đâu đấy, đó là hiện thực trong thơ lục bát Đỗ Trong Khơi. Nó không phải những hiện thực mang tính xã hội, hiện thực của những cái mà con người sống trong xã hội đó làm ra mà là hiện thực từ cái cõi mang mang của kiếp người. Hiện thực này không phụ thuộc vào đói no, ấm lạnh, được thua…mà nó phụ thuộc vào cái mất – còn, cái mờ - tỏ của ta ở trong chính ta. Bởi thế mà cái Đỗ Trọng Khơi tìm đến hay nói chính xác hơn là tìm về là cái cuối cùng hay cái độc nhất là ta. Chính ý thức này và chính cảm thức này đã chọn lựa không gian và thời gian cùng ngôn ngữ tương hợp của nhà thơ để hiện lộ.





Giọng nói cõi người

NGUYỄN QUANG THIỀU

         Tôi đọc tập thơ lục bát “Quê” của Đỗ Trọng Khơi trong dịp nghỉ khá dài. Những ngày ấy tôi về quê. Tôi ngồi một mình trong căn phòng nhỏ đọc thơ anh, căn phòng mà ngày mẹ tôi còn sống, bà hay ngồi trên giường những đêm đông giá lạnh và kể đủ thứ chuyện cho tôi nghe. Đêm gần sáng ở làng quê yên tĩnh vô cùng và tôi thấy được ánh sáng từ những bông hoa đào nở trong vườn. Ngay cả khi những cơn gió thổi qua vườn khua nhẹ những chiếc lá thì những tiếng khua ấy cũng là sự tĩnh lặng.. Quả thực, trong những ngày trước đó ở thành phố, tôi đã đọc tập thơ lục bát này, nhưng những bài thơ ấy và tôi vẫn như hai kẻ đứng ở hai bờ sông mà chẳng thấy bóng một chiếc cầu hay một con đò. Nghĩa là, tôi vẫn chưa tìm được lối sang bờ bên kia của con sông dẫu đã nhìn thấy nó. Với tôi,  không gian mà thơ lục bát Đỗ Trọng Khơi trong tập này đã dựng lên là không gian của suy tưởng và thời gian thích hợp nhất đối với tôi để sống trong không gian của suy tưởng là những đêm gần sáng. Và trong những đêm gần sáng ấy, tôi đã nghe thấy giọng nói Đỗ Trọng Khơi, giọng nói cõi người.

         Những câu thơ lục bát của Đỗ Trọng Khơi mà các nhà thơ, nhà phê bình Mai Văn Phấn, Khánh Phương và những người khác đã trích dẫn và khen ngợi là những câu thơ lục bát hay nhất trong tập thơ, những câu thơ ám ảnh tôi nhất và dắt tôi đi đến một chốn thật xa trong thế giới cảm xúc và suy tưởng của Đỗ Trọng Khơi. Chỉ với những câu thơ ấy đã đủ cho tôi nhìn thấy ngôn ngữ và tinh thần thơ lục bát Đỗ Trọng Khơi. Giữa biết bao bài thơ lục bát hay của các nhà thơ làm thơ lục bát đi trước, giữa biết bao cái “bẫy” của thể loại thơ này đã từng dễ dàng vùi lấp chính người làm ra nó tưởng sẽ vùi lấp một người làm thơ lục bát như Đỗ Trọng Khơi giữa một thời đại của muôn vàn những cái mà người ta muốn được gọi hay muốn được thừa nhận là hậu hiện đại thì Đỗ Trọng Khơi vẫn tìm được đường của mình và dựng lên con đường của mình. Khi một nhà thơ tìm được đường của mình thì anh đã không trở thành kẻ đi theo hay thành một phiên bản của người khác và anh vẫn tạo ra được những giá trị bên cạnh những giá trị khác.

         Có một điều tôi muốn nói mà có vẻ như mâu thuẫn một chút ở đâu đấy, đó là hiện thực trong thơ lục bát Đỗ Trong Khơi. Nó không phải những hiện thực mang tính xã hội, hiện thực của những cái mà con người sống trong xã hội đó làm ra mà là hiện thực từ cái cõi mang mang của kiếp người. Hiện thực này không phụ thuộc vào đói no, ấm lạnh, được thua…mà nó phụ thuộc vào cái mất – còn, cái mờ - tỏ của ta ở trong chính ta. Bởi thế mà cái Đỗ Trọng Khơi tìm đến hay nói chính xác hơn là tìm về là cái cuối cùng hay cái độc nhất là ta. Chính ý thức này và chính cảm thức này đã chọn lựa không gian và thời gian cùng ngôn ngữ tương hợp của nhà thơ để hiện lộ.

         Những điều mà Đỗ Trọng Khơi đang nói đến, đang cảm nhận rõ ràng là những điều của hôm nay, những người của hôm nay và những lời của hôm nay thế mà cái “trời” ấy lại nhuốm màu bàng bạc, cổ kính của ngàn xưa. Những câu thơ của Đỗ Trọng Khơi làm cho tôi thấy tôi đang ở trong tôi đấy rồi lại làm cho tôi thấy tôi đang ở ngoài tôi và có lúc như mất tôi. Màu sắc, âm thanh và những lối người trong vũ trụ này mà Đỗ Trọng Khơi dựng lên làm cho tôi nhiều lúc nhuốm màu hư ảo khi đọc những câu thơ của anh. Tôi vừa hiện tại, tôi lại vừa quá khứ. Tôi vừa trống rỗng và tôi vừa tràn đầy.

         Tôi có ý định từ đầu bài viết đến giờ là sẽ không trích bất cứ câu thơ nào của Đỗ Trọng Khơi ra đây. Nhưng đến lúc này tôi không làm được thế. Tôi xin mượn một số câu thơ của Đỗ Trọng Khơi mà hầu hết các tác giả viết về thơ Đỗ Trọng Khơi trong tập thơ này đã trích :
- Tôi tự chèo lái tôi đi/ đi cho hết cõi không gì mới thôi (Cõi không gì)
- Tôi hư ảnh, tôi xương da/ tôi khăn áo mỏng như là trần gian/ cầm câu yêu xuống Địa đàng/ hỏi thăm, đây lối về làng tôi chăng? (Địa đàng vườn ấy…)
- Tôi đi về phía xa xăm/ Vâng, xa xa lắm, mù tăm tuyệt mù (Giờ đây)
- Lòng trời như li như lau/ lòng người thoắt đã bợn màu aí ân (Trong gió may lộng).
- Đêm qua bóng ngả đầy người/ người thì xoá bóng về nơi tuyệt cùng (Bóng)
- Bầu trời còn gọi khoảng không/ Trong không có khoảng rỗng không tuyệt vời (Thì tin).
- Trong bao la một ta ngồi/ một ta chơi với một người là ta (Ta về cõi ta)
- Ngàn thu trong một mùa thu/vàng chưa hết sắc đã từ rất lâu/tình còn đấy một đôi câu/làn mây, con nước chân cầu còn trôi (Tựa)
- Thời gian hư ảnh cũng mòn/nhuộm mờ mặt đất tiếng con chim chiều. (Thời gian)
- Bước ngày đè nẻo hư hao/chiều nao chiều nảo chiều nào cũng sương/Dấu theo đã tỏ tấc đường/vẽ lên một sắc cỏ buồn như mây (Nạm)

         Tôi dẫn một số câu thơ của Đỗ Trọng Khơi ra đây để ai đó hãy thử một lần, thả lỏng tâm trí, quên đi những phiền muộn, tục lụy…để trôi theo, để chìm đắm cùng dòng chảy của cảm xúc và suy tưởng ấy. Và tôi đã trôi theo, đã chìm đắm cùng rồi nhận thấy : hầu hết mỗi bài thơ trong tập có một lối đi riêng nhưng lại cùng về một chốn. Chốn ấy chính là việc xác lập cái hữu hạn của đời người để cho ta cảm nhận được cái vô hạn của cõi người, của vũ trụ. Mà kỳ lạ thay, trong cái vô hạn ấy ta lại nhận ra ta, ta thấy có ta, còn ta,  trong khi nhiều lúc ở giữa cái hữu hạn cầm được, giữ được, đo được…ta lại không tìm thấy dấu vết của mình. Đấy là cảm giác rõ nhất, mạnh mẽ nhất và xác thực nhất khi tôi trôi theo, chìm đắm cùng trong những câu thơ lục bát Đỗ Trọng Khơi.