Đặc điểm chung của 8 ca khúc trên danh nghĩa lần đầu tiên được cấp phép sau năm 1975, đó là khát khao dập tắt đạn bom để hướng đến ngày non sông yên vui. Trong “Cánh đồng hòa bình” rộn rã: “Lòng ta bừng như sông, là dòng dông nhắn tin hai miền. Giờ phục sinh trống chiêng khua vang rền. Rừng núi nghiêng mình, mừng việt Nam thoát ra cơn diệt vong”, còn trong “Đồng dao hòa bình” rạo rực: “Hai mươi năm ngục tù tối đen. Hôm nay nắng lạ lùng rọi ấm. Trên da vàng trên da thơm. Trên da em, trên da những người Việt chờ ngóng”.





TRỊNH CÔNG SƠN CÕI HÁT THẦM

TUY HÒA

Cách đây 12 năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi đúng ngày 1-4, ngày người ta có thể trêu đùa nhau chốc lát vẫn không sợ phiền lòng. Mỗi năm, công chúng lại tưởng niệm ngày ông tạ thế, không phải để tiếc nuối vẩn vơ mà nhằm khẳng định hình ảnh ông còn lưu lại trên nhân gian cùng hàng trăm ca khúc nâng đỡ tâm hồn người Việt lúc yếu đuối, khi bơ vơ.
Trong gia tài hơn 600 ca khúc Trịnh Công Sơn đã sáng tác suốt 62 năm ở trọ trên cuộc đời này, hiện tại còn hơn phân nửa vẫn tồn tại một cách bán công khai. Vì nguyên nhân khách quan nọ lẫn lý do chủ quan kia, dòng ca khúc tranh đấu đô thị trước năm 1975 của Trịnh Công Sơn chỉ được xuất hiện khá dè dặt. Vừa qua, sau một giai đoạn cân nhắc, Cục Nghệ thuật Biểu diễn quyết định cho phép phổ biến thêm 8 ca khúc trong tuyển tập các Ca khúc Da Vàng là “Cánh đồng hòa bình”, “Đồng dao hòa bình”, “Bà mẹ Ô Lý”, “Nước mắt cho quê hương”, “Đôi mắt nào mở ra”, “Dựng lại người, dựng lại nhà”, “Ta thấy gì đêm nay”, “Chờ nhìn quê hương sáng chói”.
Nói một cách cụ thể, trong 8 ca khúc của Trịnh Công Sơn mới được cấp phép, thì ca khúc “Bà mẹ Ô Lý” từng được ca sĩ Quang Linh thu âm, còn ca khúc “Ta thấy gì đêm nay” từng được ca sĩ Cẩm Vân thu âm. Rõ ràng, ứng xử với di sản của Trịnh Công Sơn vẫn còn nhiều lúng túng và bất cập.
Đặc điểm chung của 8 ca khúc trên danh nghĩa lần đầu tiên được cấp phép sau năm 1975, đó là khát khao dập tắt đạn bom để hướng đến ngày non sông yên vui. Trong “Cánh đồng hòa bình” rộn rã: “Lòng ta bừng như sông, là dòng dông nhắn tin hai miền. Giờ phục sinh trống chiêng khua vang rền. Rừng núi nghiêng mình, mừng việt Nam thoát ra cơn diệt vong”, còn trong “Đồng dao hòa bình” rạo rực: “Hai mươi năm ngục tù tối đen. Hôm nay nắng lạ lùng rọi ấm. Trên da vàng trên da thơm. Trên da em, trên da những người Việt chờ ngóng”.
Viết nhạc ngay giữa tháng năm chiến tranh khốc liệt, Trịnh Công Sơn xót xa trong bài “Nước mắt cho quê hương” não nùng: “Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng. Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang. Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh. Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương”, nhưng vẫn không nguôi hy vọng “Chờ nhìn quê hương sáng chói” ngày mai: “Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong. Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh. Chờ khô nước mắt, chờ đá reo ca. Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà. Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ”.
Trước đây nhiều ý kiến cho rằng dòng ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn nghiêng về phía bi lụy. Thực ra, không phải vậy, bởi lúc cam go nhất thì Trịnh Công Sơn vẫn hun đúc “Dựng lại nhà, dựng lại người” một cách say mê: “ta cùng lên đường đi xây lại tình thương, lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương, những đứa con lạc dòng mừng hôm nay xóa hết căm hờn, mượn phù sa đắp trên điêu tàn lòng nhân ái lên nụ hồng”.
Ca khúc Da Vàng được biểu diễn trở lại, món quà ấy không hẳn dành cho Trịnh Công Sơn, mà dành cho những ai luôn hát thầm trên môi mình những niềm riêng “Đôi mắt nào mở ra” run rẩy: “Đôi mắt nào mở ra trên cao, nhìn Việt Nam sống lại ngày đầu. Đôi mắt nào mở ra cho nhau, nhìn hồn phai những vết thương đau. Đôi mắt nào mở ra trong veo, từng niềm vui mặt người thấy lại. Đôi mắt nào mở ra hôm nay, nhìn rừng khô lên những mầm tươi…”