Với nhà thơ Hoàng Việt Hằng, nghiệp viết gắn liền sở thích xê dịch. Cứ có cơ hội thì chị lập tức thoát khỏi phố phường chật chội hòng phiêu lãng tầm mắt và phiêu lãng tâm hồn qua những vùng đất, những số phận mà bản thân luôn khao khát được khám phá. Cuốn sách mới của Hoàng Việt Hằng vừa được NXB Phụ Nữ ấn hành có tên gọi “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” tuy định danh thể loại tạp văn nhưng lại mang màu sắc ký sự. Hầu hết 31 tạp văn trong “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” đều liên quan đến địa danh nào đó chứng tỏ bàn chân xuôi ngược của tác giả đầy cảm hứng nhàn du trước khi lắng lòng từng trang bản thảo...





TIẾNG DẺ CÙI PHÍA CÂY CƠM VÀNG

Hoàng Việt Hằng nhiệt tình viết, đam mê viết. Cuộc đời đã mang lại cho chị không ít vết thương, nhưng chị chưa bao giờ nguôi niềm yêu cuộc đời. Bằng chứng là Hoàng Việt Hằng vượt qua tất cả bất hạnh để lầm lũi sống và viết. Thế mạnh của chị nằm ở thơ, nhưng văn xuôi cũng được không ít giải thưởng, mà đáng kể nhất phải nhắc đến tập truyện ngắn “Những lời chưa nói hết” và tiểu thuyết “Một bàn tay thì đầy”.

Với nhà thơ Hoàng Việt Hằng, nghiệp viết gắn liền sở thích xê dịch. Cứ có cơ hội thì chị lập tức thoát khỏi phố phường chật chội hòng phiêu lãng tầm mắt và phiêu lãng tâm hồn qua những vùng đất, những số phận mà bản thân luôn khao khát được khám phá. Cuốn sách mới của Hoàng Việt Hằng vừa được NXB Phụ Nữ ấn hành có tên gọi “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” tuy định danh thể loại tạp văn nhưng lại mang màu sắc ký sự.

Hầu hết 31 tạp văn trong “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” đều liên quan đến địa danh nào đó chứng tỏ bàn chân xuôi ngược của tác giả đầy cảm hứng nhàn du trước khi lắng lòng từng trang bản thảo, như “Cúi xuống Tây Côn Lĩnh”, “Ra đảo Dấu không chỉ nhìn sóng”, “Mây thẫm ở Ngọa Vân”, “Sìn Hồ bắt đầu từ cây số không”, “Ba lần trở lại bến Gót”, “Thác vẫn đổ chân núi Cô Muông”…Tuy nhiên, cách đi của Hoàng Việt Hằng không giống các nhà báo. Hoàng Việt Hằng đi không hẳn để tìm tư liệu, mà đi cốt để đánh thức rung động chính mình. Vì vậy, nếu lượng thông tin đủ người khác triển khai một bút ký vài ngàn chữ thì Hoàng Việt Hằng chỉ gói ghém trong tạp văn vài trăm chữ. Lối viết của nhà thơ “đã níu vào vệt cải trắng, vệt đào phai mà đi” cũng có cái thú vị riêng đối với người đọc.

Cuốn tạp văn “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” nhiều ưu điểm về cảm xúc. Nhất là cách gợi nên những trắc ẩn để gây xao xuyến. Ví dụ, khi viết về những ngõ nhỏ thủ đô trong bài “Dấu ngõ”, Hoàng Việt Hằng khép lại bịn rịn “ngõ nhỏ, bao phận nhỏ không hắt bóng xuống hồ”. Còn trong bài “Cây cầu và những chiếc đinh khuy”, chị nay nức về vị trí của một địa danh nổi tiếng “Dù sau này tôi sẽ còn đi qua nhiều cây cầu lớn, đẹp như cầu vồng bảy sắc sau mưa, thì cầu Long Biên cũ kỹ không mờ, với những ốc vít giống như những hàng khuy ngực áo vẫn nhìn xuống chợt gặp hồn cốt của cây cầu Hà Nội với hồn người Hà Nội”.

Giá trị của tạp văn được tổng hòa bởi hai yếu tố: cảm xúc và suy tư. Cảm xúc chỉ kéo độc giả đi hết tạp văn, nhưng phải có suy tư thì tạp văn mới có thể đứng vững theo thời gian. Hoàng Việt Hằng được về cảm xúc nhưng chưa được về suy tư. Chẳng hạn, với bài “Những cánh cửa không khóa” lẽ ra cần khái quát lên sự đỗ vỡ tin cậy giữa con người với con người, thì chị tạm ngừng ở vài lời gợi nhắc: “Bạn và tôi, hãy một lần đi rất nhiều rất nhiều thôn làng, để đối mặt với những cánh cửa không khóa. Khác hẳn với nhà thành phố. Và hãy ra những dòng suối không tên, ngồi nghe nước chảy tự nhiên như vốn có từ ngàn đời”.

Phụ nữ ở độ tuổi lục thập, vẫn đi và viết như Hoàng Việt Hằng rất hiếm. “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” thêm một lần khẳng định chị vẫn miệt mài đi, chăm chỉ viết. Đôi khi dọc hành trình lặng lẽ của mình, Hoàng Việt Hằng bắt gặp và ghi lại nhiều điều đáng băn khoăn: “Nghe chuyện có đứa con được mẹ nhắn tin bị đau ngực đột ngột, đứa con xóa tin nhắn, hôm sau về nhà thì mẹ hắn đã mất đúng một ngày một đêm. Đúng cái giờ sau tin nhắn kia, theo kiểm định của pháp y. Trong số chúng ta, không rõ người có con và người không có con, ai cô độc hơn ai?”.

                                  TUY HÒA