Ngôi nhà của ông nằm trên một con phố nhỏ yên tĩnh, nép đằng sau một con đường trung tâm của nhộn nhịp, ồn ào. Ông đón khách, và việc đầu tiên là giới thiệu với khách “thư phòng” của mình. Nơi đó có chiếc bàn làm việc giản dị, hàng ngày chỉ ông và sách bầu bạn, chuyện trò là chính. Từ lúc về hưu năm 2007 đến nay, căn phòng chỉ toàn sách này đã chứng kiến sự ra đời, ít nhất đến thời điểm hiện tại là 3 cuốn sách của riêng ông, trong đó có 2 cuốn tiểu thuyết. Và câu chuyện hôm nay ông nói, cũng ít nhắc về cái phần đời làm báo rất đáng tự hào mà ông đã trải qua. Người viết cũng không nhìn thấy ông trong vai một vị lãnh đạo báo chí, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã nghỉ hưu. Mà nhìn thấy ông, trong hình ảnh một nhà văn với nhiều nỗi niềm thời cuộc đau đáu đang chờ được trút lên trang giấy...



Nhà báo, nhà văn Hồ Anh Dũng: Viết là sẻ chia, trút bỏ...

BÌNH NGUYÊN TRANG

Nhà báo Hồ Anh Dũng sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ông là cháu đích tôn cụ Hồ Tùng Mậu - một người đồng chí thân thiết của Bác Hồ. Ông cũng có hai người em trai gánh vác những vị trí quan trọng của đất nước, là đồng chí Hồ Đức Việt, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng khóa X và đồng chí Hồ Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Ông Hồ Anh Dũng kể, dòng họ Hồ có 4 đời liệt sĩ, từ nhỏ anh em ông chỉ sống với các bà là chủ yếu. Việc họ hàng cũng phần lớn là những người phụ nữ trong dòng họ quyết định, bởi những người đàn ông đã đi làm cách mạng vắng nhà, hoặc không trở về nữa. Kế tục truyền thống gia đình, ông Hồ Anh Dũng say sưa tham gia các hoạt động công tác đoàn thể từ ngày còn rất trẻ. Ông từng trải qua các vị trí  Bí thư Trung ương Đoàn, Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Mặc dù phần lớn thời gian trong cuộc đời mình, ông Hồ Anh Dũng tham gia hoạt động chính trị, báo chí, truyền thông, nhưng ông vẫn luôn nuôi giữ một ngọn lửa đam mê văn chương từ thuở thiếu thời. Ít ai biết rằng, nhà báo Hồ Anh Dũng đã từng tốt nghiệp ngành ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp (Nga). Ban đầu ông đã lựa chọn để trở thành một nhà khoa học, và thời thanh niên, ông đã viết một cuốn tiểu thuyết. Nhưng vì còn ít nhiều bẽn lẽn trước làng văn, ông đã đốt bản thảo đi. Rồi cuộc đời cuốn ông theo những công việc khác. Vẫn cống hiến cho công việc bằng trái tim nhiệt huyết, sôi nổi, nhưng Hồ Anh Dũng luôn để dành một góc không nhỏ cho tình yêu văn chương.

Và, khi đã hoàn thành xong công việc xã hội, nghỉ hưu, ông bắt đầu đối diện với trang giấy, và viết. Nhiều nhà văn ở tuổi của ông đã buông bút, không viết nữa hoặc không viết được nữa, thì với ông, cuộc hò hẹn với văn chương mới chỉ là bắt đầu. Những trang sách đầu tiên ông viết về làng Quyền - một làng của xứ Nghệ, mang bóng dáng làng Quỳnh nơi ông sinh ra. Những số phận con người, những câu chuyện cuộc sống, những biến cố thời cuộc, với bao buồn vui, mất mát...

Một cuốn tiểu thuyết dày dặn và đậm đà tình người, ngỡ như người cầm bút Hồ Anh Dũng đã mang toàn bộ sự hăm hở buổi đầu cộng với những trải nghiệm của gần nửa thế kỷ kinh qua nhiều công việc của mình vào từng trang viết. Xúc cảm tươi mới từ một trái tim từng trải khiến cho văn của ông có một vẻ đẹp riêng, vừa ấm nóng, vừa sâu sắc.

Sau cuốn tiểu thuyết đầu tiên được bạn đọc đón nhận, nhà văn Hồ Anh Dũng tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết thứ hai Như là định mệnh. Một cuốn sách bề bộn nhân tình thế thái. Những trải nghiệm lớn trong sự nghiệp làm báo, làm chính trị của mình là chất liệu tươi ròng làm nên một tác phẩm văn học giàu lớp lang. Như là định mệnh nhấn vào những số phận con người qua nhiều biến cố thời cuộc, lịch sử. Họ đã chịu đựng những thử thách, sóng gió, chia lìa, bất hạnh như là định mệnh đã  đóng dấu lên cuộc đời mình.
Về cuốn tiểu thuyết thứ 2 này của Hồ Anh Dũng, nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét: “Văn của ông chứa linh cảm, sự lãng mạn và lòng nhân ái. Dường như ông không nỡ làm đau một ai. Ông lùi ra xa và kể về họ, ít bình luận, để sự việc nói thay. Khác với các tiểu thuyết mô tả thế giới bên trong con người, phát hiện những chuyển động li ti khó nhận biết trong tâm hồn con người, Hồ Anh Dũng tập trung mô tả thế giới bên ngoài biến động, hùng tráng với máu lửa thời cuộc, với chiến tranh, hậu chiến và con người nhỏ bé bị nó cuốn đi...”.
Mới đây nhất, cuốn sách thứ 3 vừa “ra lò” của nhà văn Hồ Anh Dũng có tên gọi Chuyện làng Quỳnh. Cũng giản dị đúng như tên gọi của nó, cuốn sách kể cho ta về những kỷ niệm gắn với cuộc đời Hồ Anh Dũng. Từ chuyện dòng họ, gia đình, đến chuyện xóm giềng, chuyện văn nhân kim cổ có xuất xứ từ làng Quỳnh. Viết về làng, với ông, là một cuộc trở về từ trong sâu thẳm, để nhận biết nguồn cội, và để tự hào về mảnh đất xứ Nghệ nơi mình đã sinh ra, lớn lên.

Trên dải đất hình chữ S này, rất hiếm những ngôi làng như làng Quỳnh của ông. Ngôi làng nhỏ bé ấy là vùng địa linh nhân kiệt, đã sinh ra những người con tài hoa làm rạng danh đất nước, như Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Xuân Hương, Văn Đức Giai, Phạm Đình Toái, Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan...

Những người viết, không hiểu sao, thường hay day dứt, hoài niệm, thương nhớ về nơi mình sinh ra, nơi cất giữ tuổi thơ của mình. Hồ Anh Dũng cũng vậy. Ông đã đi ra khỏi làng quê từ rất sớm. Và trong suốt cuộc đời hoạt động xã hội sôi nổi của mình, bàn chân ông đã đi qua hơn 40 nước trên thế giới.
Nhưng không đâu khiến ông thương nhớ bằng làng Quỳnh bé nhỏ. Bao suy ngẫm cuộc đời đều gắn với làng. Những cuốn sách đầu tiên lấy cảm hứng từ làng. Với nhà báo, nhà văn Hồ Anh Dũng, trở về nơi mình sinh ra chính là cuộc trở về với những gì khởi nguyên nhất trong cuộc đời con người, là sự trở về với bản thể, với thiên nhiên.
Tình yêu với mảnh đất nơi mình sinh ra là “cái lõi” trong mọi câu chuyện khác của cuộc đời. Không có “cái lõi” ấy, những yêu thương khác dường như ít nhiều là phù phiếm, là xa xỉ, trống rỗng. Con người ta, bàn chân có đi khắp tứ hải, thì rồi cuộc trở về với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đất đai, làng mạc, ruộng đồng nơi mình sinh ra vẫn là cuộc trở về đáng kể nhất. Đây còn là cuộc trở về với tình người nữa.

Thế kỷ XXI, theo ông, sẽ là thế kỷ của những cuộc trở về. Nhân loại sẽ quay trở về với những giá trị truyền thống, cổ điển mà vì mải mê trên con đường đến với cái mới đôi lúc người ta đã bỏ qua, quên lãng. Giống như không ít người hôm nay vội vã đi ra đô thị mà quên mất ngôi làng của mình. Nhưng rồi càng đủ đầy về vật chất, càng đi xa hơn, càng thấy ký ức về ngôi làng ám ảnh mình.

Nhân nói chuyện làng, hỏi ông chuyện làng quê của hôm nay và ngày ông còn nhỏ có điều khi khiến ông nghĩ ngợi chăng, ông chia sẻ ngay: “Ngày hôm nay làng đã được bê tông hóa nhiều rồi. Nhà cửa đã khang trang hơn, kiên cố hơn. Cuộc sống của người dân tốt hơn, đó là xu thế tất yếu của phát triển. Nhưng làng đang mất đi nhiều không gian xanh cần thiết. Và tình người ở làng, phải chăng cũng phai nhạt đi đôi phần...”.

Về câu chuyện nông thôn trong tác phẩm văn học, nhà văn Hồ Anh Dũng cho rằng, có rất nhiều vấn đề đang chờ ngòi bút nhà văn chạm tới. “Xưa, tôi làm quản lý truyền hình, khi nói đến Chương trình Nông thôn, tôi bao giờ cũng nhấn mạnh với đồng nghiệp, rằng mình phải nói những câu chuyện của nông dân, của nông nghiệp mới là nòng cốt. Chứ đừng đưa ra những báo cáo thành tích, hay chuyện giống lúa mới. Vấn đề phải là đời sống nông thôn, số phận người nông dân ấy. Nhìn sang văn chương hôm nay cũng vậy. Tôi không dám bàn về nghệ thuật viết, nhưng tôi có thể nói về việc viết gì trong tác phẩm đề tài nông thôn. Xin thưa, có bao nhiêu vấn đề của người nông dân, của nông nghiệp mà chưa được nhà văn khai phá. Các nhà văn của ta đang mải mê chuyện gì, tôi không biết”.

Tôi cứ nghĩ mãi về cái câu hỏi của ông, nhà báo, nhà văn Hồ Anh Dũng, các nhà văn của ta đang mải mê chuyện gì, mà bỏ rơi một đề tài lớn trong một xã hội có tới hơn 80% dân số làm nông nghiệp. Và ông, trong buổi khởi đầu cầm bút, rất khiêm nhường, không mơ trở thành một nhà văn lớn, không mơ tạo ra những trào lưu văn học, nhưng luôn nghiêm cẩn một ý thức, phải chạm đến những vấn đề nhức nhối của số đông nhân quần. Và ông chọn viết về nông thôn trước tiên....

Có thể ai đó trong chúng ta sẽ tự hỏi, một người “vinh quang đã đủ” như Hồ Anh Dũng, từng giữ những vị trí quan trọng không ít người mơ ước, sao lúc về hưu ông không chọn cách an nhàn, điền viên chăm cây, tưới hoa, đi du lịch, chơi đùa cùng con cháu mà lại “sa” vào cảnh viết văn khổ ải làm gì cho mệt? Nhà văn Hồ Anh Dũng chỉ cười hiền hậu. Ông xác nhận, việc viết đúng là đày ải thật.

Nghĩ ngợi đau đáu bao ngày, rồi ngồi vào bàn, đối diện trang giấy như đối diện cuộc đời. Và chữ nghĩa thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Viết, rồi xóa, rồi viết. Nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ. Nhưng ngay trong sự nhọc nhằn ấy, nhà văn Hồ Anh Dũng cũng nhận ra rằng, việc viết chứa đầy những bí ẩn thú vị mà chỉ khi dấn thân vào ông mới khám phá được. Ban đầu, các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đã được nhà văn “vẽ đường” đi theo hướng này. Nhưng rồi càng viết càng thấy, nhân vật của mình bắt đầu “nổi loạn”.

Họ đòi đi một hướng mới, và họ dắt ngòi bút của mình theo từ lúc nào, không cưỡng lại được. Hóa ra, văn chương luôn có một đời sống khác, một sự thật khác, khác hẳn với sự thật báo chí mà bao năm làm công tác quản lý báo chí ông chiêm nghiệm được. Rằng, những kinh nghiệm, hay những nguyên tắc từ những công việc khác chúng có thể mang tới vốn sống, chất liệu cho việc viết, nhưng chúng không thể áp dụng vào hành động viết...

Viết, đối với nhà báo, nhà văn Hồ Anh Dũng càng không phải cách để được mọi người biết tới. Ông đã đủ trải nghiệm về cái gọi là vinh quang, hay sự nổi tiếng. Nói chính xác thì ông đã ở thời điểm không cần đến những hư vinh ấy nữa. Và việc viết, với ông chỉ còn rường cột một suy nghĩ, là được sống hết lòng với một niềm đam mê đeo bám suốt đời mà ông chưa có thời gian, cơ hội để thực hiện.

Viết cũng là để sẻ chia, trút bỏ những tâm tư, suy ngẫm của đời người trí thức đã thu lượm được, đã yêu thương và cả dằn vặt nữa. Và đặc biệt nhất, là khi viết, mình đã ở bên ngoài mọi giới hạn, mọi quy luật thông thường của đời sống. Mình được tự do nhất. Cảm giác bay bổng, hoàn toàn là chính mình giống như chất men say, khiến cho mỗi ngày đang sống chứa đựng một vẻ đẹp mới...