Giải thích nguyên nhân cao su chết, báo cáo thanh tra nội bộ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN  và Cty Cao su  Phú Riềng cho biết, do Công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie trồng hầu hết trên rừng khộp nghèo dinh dưỡng, “trên đất dưới đá” và tính chất thoát nước cực kỳ kém. Ngoài ra, địa hình rừng khộp vốn lượn sóng nên khi có mưa sẽ tạo ra những dòng chảy mạnh làm gây ngập úng cục bộ khiến cho cây cao su “ngắc ngoải” và chết theo “cụm” hàng loạt. Còn theo đơn tố cáo của cán bộ công nhân PRK, do được nắm trong tay số tiền quá lớn nên ông TGĐ Công ty cổ phần cao su Phú Riềng – Kratie- Phan Hữu Nam mặc sức tự tung tự tác, quản lý lỏng lẻo, hợp đồng mua cây giống, phân bón trôi nổi không đảm bảo chất lượng...




CÔNG  TY CỔ PHẦN CAO SU PHÚ RIỀNG KRATIE:  THIỆT HẠI HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG, DO ĐÂU?

600 tỷ đồng vốn nhà nước đổ vào Cty CP CS Phú Riềng Kratie để đầu tư trồng cao su ở CPC từ năm 2007. Đến nay cao su chết một nửa, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nhưng không ai dám công bố và chịu trách nhiệm.
Cty CP Cao su Phú Riềng Kratie (viết tắt PRK) thành lập năm 2007 với nhiệm vụ chính là trồng và khai thác cao su ở huyện Snuol, tỉnh Kratie.  Cty PRK được góp vốn từ Tập đoàn CNCS VN (VRG), Cty TNHH MTV cao su Phú Riềng và Tcty Sông Đà với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, trong đó VRG góp 45%,  Cty CS Phú Riềng 35% và Tcty Sông Đà 25%.
Ông Nguyễn Hồng Phú lúc bấy giờ là GĐ Cty CS Phú Riềng được phân công kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Cty PRK, chịu trách nhiệm quản lý phần vốn nhà nước. Còn ông Phan Hữu Nam là TGĐ Cty. Đây cũng là một công ty đầu tư trồng cao su sớm nhất của VRG vào CPC và cũng được đặt nhiều kỳ vọng nhất.

“GIÓ VÀO NHÀ TRỐNG”
Thế nhưng, trong các báo cáo gần đây của VRG, trong khi các dự án trồng cao su của các Cty CS như Tân Biên, Đồng Nai, Bà Rịa… đầu tư vào CPC đều ghi rõ ràng là DT trồng mới bao nhiêu, chăm sóc bao nhiêu thì đặc biệt chỉ có Cty PRK là ghi lấp lửng “chăm sóc DT cao su kiến thiết cơ bản là 2.600 ha” còn DT trồng mới chỉ để trống theo kiểu “ai hiểu thế nào thì hiểu”.
Vậy DT trồng mới của PRK đến nay là bao nhiêu?. Theo tìm hiểu chúng tôi từ các số liệu tổng hợp của VRG và Cty CS Phú Riềng thì con số lên đến giật mình: 5.200 ha (lấy số tròn) gồm năm 2007 là 200 ha; 2008 là 1.400 ha; 2009 là 2.800 ha và năm 2010 là 800 ha. Chỉ làm một phép tính, lấy DT trồng mới trừ đi DT còn lại chăm sóc như đã nói trên sẽ thấy ngay có 2.600 ha mất trắng hoàn toàn, chiếm đến 50% DT trồng mới chỉ trong vòng 4 năm!. Điều đáng nói là, chi phí đầu tư 1 ha cao su ở đây từ lúc khai hoang, trồng mới, chăm sóc theo tính toán của chính PRK bình quân gần 100 triệu đồng/ha. Điều này có nghĩa đã có 260 tỷ đồng của nhà nước đã bị mất sạch. Quả thật xót xa!. Chưa dừng lại, 50% DT cao su còn lại được tiếp tục chăm sóc trong khi chất lượng vườn cây hiện nay quá kém, có nơi chỉ còn lại có 150 cây/ha (mật độ thông thường là 500 cây/ha).

                                  
                Cây cao su sơn được quét sơn trắng chống nắng để tiếp tục chăm sóc nhưng trụi hết lá


Giải thích nguyên nhân cao su chết, báo cáo thanh tra nội bộ của VRG và Cty CS Phú Riềng cho biết, do PRK trồng hầu hết trên rừng khộp nghèo dinh dưỡng, “trên đất dưới đá” và tính chất thoát nước cực kỳ kém. Ngoài ra, địa hình rừng khộp vốn lượn sóng nên khi có mưa sẽ tạo ra những dòng chảy mạnh làm gây ngập úng cục bộ khiến cho cây cao su “ngắc ngoải” và chết theo “cụm” hàng loạt. Còn theo đơn tố cáo của cán bộ công nhân PRK, do được nắm trong tay số tiền quá lớn nên ông TGĐ PRK Phan Hữu Nam mặc sức tự tung tự tác, quản lý lỏng lẻo, hợp đồng mua cây giống, phân bón trôi nổi không đảm bảo chất lượng. Đơn cử, theo kết luận kiểm tra của Cty CS Phú Riềng có phối hợp với Viện NCCS VN, chỉ tính đến tháng 9/2011, PRK tồn kho vật tư với giá trị lên đến 26,3 tỉ đồng, trong đó cây giống tồn kho có giá trị 14,7 tỉ đồng nhưng chất lượng quá kém, không kiểm soát được. Tương tự, phân bón có giá trị gần 11,7 tỉ đồng nhưng cũng để tồn kho quá lâu không đảm bảo chất lượng. Đoàn kiểm tra nhận định: “PRK không thực hiện qui trình kỹ thuật, thể hiện ở việc buông lỏng kiểm soát chất lượng cây giống, vi phạm qui trình trồng cây, chăm sóc, đầu tư phân bón..”(nguyên văn). Hậu qủa là PRK hiện vẫn còn “nợ xấu” số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, các DN bán phân bón ..

Câu hỏi đặt ra, liệu trước lúc đưa cây cao su xuống rừng khộp, PRK có tiến hành điều tra khảo sát thổ nhưỡng không?. Xin thưa, PRK có thuê một công ty thực hiện tư vấn đầu tư và chính Cty này khẳng định “trồng được”.Vậy mà trong 3 năm 2007-2009, cây cao su nằm trong DT trồng mới đã có hiện tượng chết như rạ (riêng năm 2009, trong DT trồng mới 2.800 ha số cây cao su bị chết chiếm gần phân nửa). Mặc dù vậy, trong cuộc họp HĐQT PRK ngày 13/3/2010, ông Chủ tịch HĐQT Cty Nguyễn Hồng Phú (lúc này là phó TGĐ VRG) vẫn yêu cầu các bên tiếp tục “bơm vốn” từ 200 tỷ lên 400 tỷ, đồng thời nâng kế hoạch trồng mới của PRK năm 2010 lên 2.300 ha! (thực tế chỉ trồng 800 ha mà tỉ lệ cây chết của năm đó lên tới 56%-PV).
Thế nên, chỉ sau 1 năm ông Phó TGĐ VRG kiêm Chủ tịch HĐQT PRK yêu cầu “bơm vốn” cho ông TGĐ PRK Phan Hữu Nam đẩy nhanh tiến độ trồng mới và chăm sóc, thì ngày 14/6/2011 trong cuộc họp giữa VRG với PRK, ông TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận buộc phải thừa nhận “chất lượng vườn cây trồng mới không đạt yêu cầu, nhiều diện tích trồng mới bị chết không có khả năng phục hồi” đồng thời quyết định tạm ngừng công việc điều hành của TGĐ Nam. Đến đây, cho dù VRG kịp nhận ra trách nhiệm quản lý điều hành yếu kém của ban lãnh đạo PRK nhưng xem ra quá muộn, bởi đến thời điểm năm 2011 đã có 600 tỷ đồng vốn “khủng” của nhà nước “ném” vào Cty này.

“MỤC SỞ THỊ” CÂY CHẾT OAN UỔNG
Ngày 12/4/2013, chúng tôi quyết định đi CPC qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) bằng phương tiện xe honda. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi đến ngã tư Snuol vừa đi vừa hỏi thăm đường về địa phận xã Pithơnu, nơi trồng cao su tập trung của PRK. Thật bất ngờ là hầu hết cư dân địa phương ai cũng biết DT cao su chết bởi nó quá “nổi tiếng” từ mấy năm nay. Đặc biệt do cao su chết nên người dân địa phương nhảy vào tranh chấp, lấn chiếm khá phổ biến, nhiều nhất ở nông trường (NT) Snuol 1 và NT Snuol 4. Một chị người CPC còn nhiệt tình ghi vào mảnh giấy bằng tiếng CPC đường vào NT Snuol 4 nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Tuy nhiên để xác định vị trí cho chắc chắn, chúng tôi phải nhờ một người đàn ông CPC đi trước dẫn đường “Ở đây ai cũng biết vùng cao su chết vì nhiều lắm, có vùng từ trục lộ chính đi vào khoảng 3 km nên dễ biết”- Người này nói.

                                         
Căn nhà nguy nga đồ sộ của TGĐ Phan Hữu Nam


Đến quan sát tận nơi, ai cũng dễ nhận thấy toàn bộ khu vực đất gọi là rừng khộp đầy đá sỏi lăn tăn, địa hình lượn lờ, tầng canh tác cứng mỏng, cây cao su mặc dù được quét sơn trắng chống nắng để chăm sóc nhưng cây chết trụi lá nhiều hơn cây sống. Chúng tôi thử cuốc lên vài cây nhận thấy bộ rễ bị hư, có cây trụi cả rễ, có cây lõi rễ có màu sẫm đen. Kể cả cây lá còn xanh khi cuốc lên xem thử thì thấy bộ rễ đen, xoăn lại.
Trong khi cây cao su trên đất CPC tàn tạ thì nhà ông TGĐ Nam tại đường Tỉnh lộ 312, ấp Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước trông giống như một tòa lâu đài đồ sộ kiến trúc kiểu Châu Âu với tổng DT xây dựng khoảng 400 m2, chung quanh là bờ tường rào kiên cố cao quá đầu người. Ước tính số tiền đầu tư xây dựng không dưới 5 tỷ đồng cả nội và ngoại thất. Ngay cổng chính vào căn nhà là 2 con rồng bằng đá quí to tướng nhìn “lăm le” khách đến như thể hiện đẳng cấp của gia chủ. Anh T., chủ căn nhà đối diện cho biết, ông Nam xây dựng căn nhà vào năm 2007 trùng vào thời điểm ông làm TGĐ PRK.

ĐỖ QUYÊN - Nông Nghiệp VN