Trái ngược với sự nồng nhiệt của người yêu thơ lại là sự vắng vẻ của khách tham quan. Cũng chẳng thể trách được, ngoài thông tin trên báo chí, hầu như chẳng còn gì để cho người dân TPHCM biết có ngày thơ đang được tổ chức. Tại Cung Văn hóa Lao Động, dù bên trong là ngày hội thơ thì bên ngoài không một chiếc băng rôn thông báo, không một lá cờ thơ, chẳng có gì cả. Thậm chí ở cả hai cổng ngoài hai băng rôn chào mừng giải quần vợt của các y bác sĩ, chẳng có một dòng chữ nào cho ngày thơ. Với sự thiếu quan tâm như thế, chẳng có gì lạ khi ngày thơ hầu như chỉ toàn những người tổ chức, khách tham quan vắng đến buốt lòng. Đêm biểu diễn thơ chỉ có chưa đến 50 khách ngồi xem, mà đó là toàn gia đình, người quen của các nhà thơ. Thậm chí, ngay bên cạnh khu vực trình bày gian thơ, lều thơ là sân khấu múa rối nước Rồng Vàng với rất nhiều du khách quốc tế, nhiều người cũng tò mò ghé thăm các gian thơ nhưng do không biết trước, cũng chẳng có sự chuẩn bị nào nên du khách chẳng hiểu gì nên đành bỏ đi.



NGÀY THƠ BUỒN

NGUYỄN XIÊN

Lần thứ 11 ngày thơ được tổ chức trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Với các nhà thơ, những người yêu thơ thì đây là một sự kiện trọng đại, ngày mà thơ được tôn vinh, ghi nhận sau những bận rộn trong bộn bề cuộc sống, hoặc bị khuất sau những loại hình nghệ thuật hào nhoáng khác.
Chính vì thế, đến với ngày này những người yêu thơ đều thể hiện đầy nhiệt tình. Những năm trước, họ không tiếc tiền bạc, công sức thuê mướn trang phục, nhờ đạo diễn dàn dựng, thậm chí huy động hết con em, bạn bè tổ chức những tiết mục trình diễn thơ hoành tráng, lộng lẫy. Năm nay, điều kiện kinh tế khó khăn hơn, các tiết mục lớn không thể chuẩn bị, số lượng người tham dự cũng giảm xuống.
Thế nhưng, những người yêu thơ tham dự được vẫn thể hiện hết nhiệt tình, chất thơ. Họ nỗ lực cho ngày lễ hội thơ của mình giữa cái nóng của TP, họ mặc trên người những bộ áo vốn dành cho phương Bắc còn lạnh giá để tái hiện những nét văn hóa quê hương. Họ nồng nhiệt mời khách tham quan nghe thơ, đọc thơ, bình thơ. Những quán nhỏ bày trà, bánh được dựng lên làm nơi khách thơ ngồi đàm đạo, trao đổi. Không khí thơ như tràn ngập mỗi lều thơ tại Cung Văn hóa Lao động trong ngày 23-2.
Thế nhưng, trái ngược với sự nồng nhiệt của người yêu thơ lại là sự vắng vẻ của khách tham quan. Cũng chẳng thể trách được, ngoài thông tin trên báo chí, hầu như chẳng còn gì để cho người dân TP biết có ngày thơ đang được tổ chức.
Tại Cung Văn hóa Lao động, dù bên trong là ngày hội thơ thì bên ngoài không một chiếc băng rôn thông báo, không một lá cờ thơ, chẳng có gì cả. Thậm chí ở cả hai cổng ngoài hai băng rôn chào mừng giải quần vợt của các y bác sĩ, chẳng có một dòng chữ nào cho ngày thơ. Với sự thiếu quan tâm như thế, chẳng có gì lạ khi ngày thơ hầu như chỉ toàn những người tổ chức, khách tham quan vắng đến buốt lòng.
Đêm biểu diễn thơ chỉ có chưa đến 50 khách ngồi xem, mà đó là toàn gia đình, người quen của các nhà thơ. Thậm chí, ngay bên cạnh khu vực trình bày gian thơ, lều thơ là sân khấu múa rối nước Rồng Vàng với rất nhiều du khách quốc tế, nhiều người cũng tò mò ghé thăm các gian thơ nhưng do không biết trước, cũng chẳng có sự chuẩn bị nào nên du khách chẳng hiểu gì nên đành bỏ đi.
Đã qua rồi thời thơ là thể loại văn hóa được ưa chuộng nhất, nhưng giá trị nghệ thuật, tinh thần của thơ thì không ai phủ nhận. Chính vì thế, ngày thơ đã được tổ chức để phục hồi, duy trì và phổ biến thơ đến với mọi người, nhất là giới trẻ. Nhưng với những gì đã diễn ra với ngày thơ năm nay ở TPHCM, người yêu thơ lại lần nữa chạnh lòng khi ngày hội quan trọng nhất lại được tổ chức nhạt nhòa, lạnh lẽo và im ắng dù TP vẫn đang hừng hực không khí xuân. 
Với nhiều người yêu thơ, họ chỉ còn biết xem đây là một năm buồn bã và hy vọng vào một mùa thơ sau, sẽ nhộn nhịp và đông vui hơn. 



Nguồn: SGGP