Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân suy tư: "Đi là học-hiểu và-hành động. Đi là cá nhân hóa, “người hóa” một không gian, một thời gian và thu lượm một khối hiểu biết. Đi một ngày đàng / học một sàng khôn. Đi học - du học là cách thức canh tân nhanh mạnh đúng đắn nhất. Thâu tóm được tri thức càng sâu rộng từ càng nhiều nguồn thì càng  mạnh mẽ uy lực và hạnh phúc. Từ thời Khai sáng khi người ta đặt cược hy vọng, và số mệnh, vào trí tuệ cá nhân thì đi/du học càng thành chiến lược cá nhân và quốc gia. Đến  thời toàn cầu hóa thì sự đi học này dường như trở nên “bắt buộc”. Goethe nói: Phải đến quê người để biết quê mình đẹp. Phải học ngoại ngữ mới biết tiếng mẹ hay. Chả nên tự ái nếu thực tế Việt Nam mấy thập niên qua cho thấy không du học “đố mày làm nên”!



ĐI GIỮA TRỜI CAO ĐẤT RỘNG

NGUYỄN QUÂN

Đi là cái thú nhất đầu năm. Du xuân không mấy ai “may mắn và thành công” như  Thúy Kiều. “May mắn”: Gái sắc gặp trai tài để gieo mầm hy vọng của mình. “Thành công” chính là  gặp Đạm Tiên, người thiên cổ-kẻ tri âm để  biết trước cái số kiếp đoạn trường của mình.
Nghĩa đầu tiên của Đi là để hy vọng và gặp gỡ số mệnh. Quan trọng nhất là chuyện xuất hành: Ra cửa mà đi! Đi hướng nào, lúc nào, tới đâu, sách trời huyền vi đúng phắp theo ngày giờ tử vi của từng thân chủ. Mỗi năm là một cuộc đi mà ta đang xuất hành/phát đây.
Đi là tự do. Không được đi đâu ra ngoài một không gian từ nhỏ đến to lần lượt là bị tù xà lim, bị tù giam, bị quản thúc,... bị cấm xuất cảnh. Không đi thì thời gian ngưng đọng, sống mà như chết: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, là cái khổ lớn nhất ở đời. 

Đi là bản thể nhân văn. Các triết gia nói khi ta sinh ra là khi ta bắt đầu đi trên con đường đến cái chết. Đi là bản chất của sinh tồn. Chia tay thế kỷ 19 êm đềm, con người hiện đại càng trở thành sinh vật luôn luôn “trên đường” với cảm giác vô định không phải vì không có một đích tới mà vì có cùng lúc quá nhiều chân trời trước mặt. Đi trở thành mục đích tự thân. Không đi dù một phút là bứt rứt, khó chịu: “Tôi không thích nơi vừa ra đi/Cũng không thích nơi tôi sẽ tới/Mà sao cứ sốt ruột ngồi/ Chờ anh lái xe thay lốp!” (B. Brecht).
Chuyện đi với chuyện đường chân trời gắn với câu hỏi lớn: Tìm đường. Ai ai cũng lo tìm đường từ to nhất là tìm đường phát triển (khoa học, công nghệ…) cho nhân loại, tìm đường cách mạng cho một dân tộc (ở nước ta từ cụ Nguyễn Trường Tộ đi Âu và Đông Nam Á, cụ Đặng Huy Trứ đi Mỹ rồi Phan Bội Châu đi Nhật, Phan Châu Trinh đi Pháp, Hồ Chí Minh đi khắp năm châu,… đều là đi tìm một đường cứu nước, cứu nhà)… tới nhỏ nhất là tìm đường tiến thân, mưu sinh của một cá nhân. 

Từ ngàn xưa thánh hiền đã than đường đời gian khó - “thế lộ nan”. Lỗ Tấn dấn thân mà khuyến cáo: Lúc đầu làm gì có đường, cứ đi mãi thì thành đường, như các châm  ngôn còn cổ hơn: “Đường đi ở gót chân” hoặc “đường đi ở miệng”. Đường đời chung của một cộng đồng lâu bền tạo nên lối sống (cũng cùng nghĩa là đường sống/đời), cái lõi của một nền văn hóa nào đó… Vậy mà tựu trung rút cục là ai ai cũng thấy đường đời bất định và khó đi nên càng thầm phục cụ Nguyễn Du  “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!”
Đi là học-hiểu và-hành động. Đi là cá nhân hóa, “người hóa” một không gian, một thời gian và thu lượm một khối hiểu biết. Đi một ngày đàng / học một sàng khôn. Đi học - du học là cách thức canh tân nhanh mạnh đúng đắn nhất. Thâu tóm được tri thức càng sâu rộng từ càng nhiều nguồn thì càng  mạnh mẽ uy lực và hạnh phúc. Từ thời Khai sáng khi người ta đặt cược hy vọng, và số mệnh, vào trí tuệ cá nhân thì đi/du học càng thành chiến lược cá nhân và quốc gia. Đến  thời toàn cầu hóa thì sự đi học này dường như trở nên “bắt buộc”. Goethe nói: Phải đến quê người để biết quê mình đẹp. Phải học ngoại ngữ mới biết tiếng mẹ hay. Chả nên tự ái nếu thực tế Việt Nam mấy thập niên qua cho thấy không du học “đố mày làm nên”!

Đi của minh triết/triết học/tâm linh là dịch, là chảy, là sinh diệt và luân hồi của tất cả mọi biểu hiện sinh tồn. Ở đây đi luôn gắn với về. Đi ra đại ngã về tiểu ngã. Đi ra ngoại giới về nội giới. Đi tới tuổi già về với tuổi thơ. Đi tới vị lai về quá khứ… Chuyện lòng vòng này phức tạp khó bàn nhưng dễ tin và có vẻ ai ai cũng có một đức tin và biết rằng mất cái này còn/được kia nhưng mất đức/niềm tin là mất tất cả.Nghệ thuật và ái tình là những cuộc đi của tâm hồn, tâm linh và cảm xúc. Những cuộc đi này an ủi kiếp người ta, làm cho “thế lộ nan” thành ra những cuộc hạnh ngộ, kỳ duyên thỏa mãn cái lõi nhân bản ấm mềm của mỗi người, trao cho mỗi cá nhân những cơ hội siêu việt cái trần trụi, tầm thường, khó chịu của cõi trần ai… Từ chủ nghĩa lãng mạn thì nghệ thuật càng là các cuộc phiêu lưu của cảm xúc và tâm linh bất cần bánh lái và động cơ duy lý!

Về vật lý đi là di chuyển trong không gian cụ thể là vỏ địa cầu/sinh quyển gồm: Địa quyển, thủy quyển và khí quyển. Sau hàng triệu năm tiến hóa cuối cùng đến cuối thế kỷ 20 thì hầu như con người đã đi tới tận cùng ba cõi ấy. Du lịch trở thành một phần “bắt buộc” của sinh hoạt. Khó tưởng tượng nổi chỉ 50 năm trước 90%  dân số Việt Nam cả đời không đi ra khỏi lũy tre làng và chỉ 25 năm trước còn chịu cảnh ngăn sông cấm chợ. Nghĩ lại mà thấy ấu trĩ, man sơ và nực cười biết bao. Giờ thì mỗi năm 12 triệu người du lịch trong nước, hàng triệu người đi nước ngoài. Mấy triệu người cư ngụ ở khắp năm châu đi-về làm ăn  như  mắc cửi. Đó mới là hợp với căn tính người Việt Nam ta: Từ thuở thoát bào thai đã chia nhau đi lên rừng, đi ra biển để có dải đất dài tuyệt đẹp và cả triệu kilômét vuông biển đảo xanh rờn. Người Việt Nam cũng vào loại thích đi, giỏi đi...
Theo tất cả các nghĩa trên thì Văn hóa Việt Nam (cũng như ASEAN nói chung) vốn là văn hóa của đi và đến. Đất và biển của ta vốn là ngã tư của văn minh. Văn hóa Ấn-Hoa-Âu-Mỹ giao thoa với “bản địa” ở ngã tư này mà kết tủa thành văn hóa “thuần” Việt Nam. Ước mong đất và biển này mãi là nơi đi và điểm đến của các con đường. 

Và nét nghĩa mới nhất vừa được bổ sung của từ đi là “dân đi” chỉ  người mê trèo núi, khám phá và chinh phục các đỉnh cao theo tọa độ và định vị toàn cầu. Xin dùng từ đi  thay lời cung chúc tân xuân!