Nếu ai cho rằng, tung còn là một môn thể thao dân tộc, xem ra cũng phải. Vì ngoài biểu diễn khoe cái tài cái khéo của các chàng trai cô gái, người chơi phải đủ sức khỏe. Không có sức khỏe khó lòng mà tung hứng cả buổi giữa trời gió lạnh. Khi tung, hai chân phải đứng bằng vai, ở tư thế trung bình tấn. Cánh tay thuận, túm lấy đuôi còn và quay thật nhanh, để lấy đà. Người nào khỏe, tai chỉ nghe tiếng vun vút, mắt không nhìn thấy quả còn. Người nào ốm yếu, vo ve bay một lúc rồi quả còn rơi đánh bụp. Nó nằm ngay bên chân cột cây mai vàng, trông thảm hại như tàu cải héo. Làm cho người làng ồ lên.  Gọi là hội, nhưng không nhằm vào ngày nào cụ thể. Hội diễn ra từ mùng một Tết, đến hết tháng Giêng. Thậm chí, có lúc sang tháng Hai rồi mà người làng tôi vẫn chưa buồn nhổ cột.




Đố ai ném thủng hồng tâm…

Y PHƯƠNG


Hội chia làm hai phe. Phe con gái thường đứng bên trái cột. Họ là những người cầm cái, tung trước. Phe con trai bên phải. Bọn này trông thế mà run. Người nọ ôm vai người kia. Mười tám mười chín tuổi, mà đứng chẳng vững gì cả, cứ  vẹo vọ như say, ngất ngư như ngủ.
Cột được làm bằng thân cây mai già. Có độ cao áng chừng mươi mười lăm hai mươi mét. Cột phải thẳng. Nếu cột cong ắt người làng đó ăn ở chật hẹp và mau tự ái. Cột càng cao càng tốt. Bởi nó nói lên cái chí của những người cắm cột. Trên đỉnh cây mai, cấy một hình trăng tròn, có dán giấy hồng tâm. Bên nào ném thủng hồng tâm, bên đó thắng.

Bên thắng, bên thua chẳng có ý nghĩa gì, nếu đêm đó cả đám trai gái im lìm như chết. Người ta gọi đêm hát cơ mà. Quả còn làm thủng hồng tâm rồi, phải cất tiếng hát lên mừng chứ. Bên thắng sẽ hát đố bên thua. Bên thua lại lên tiếng đố bên thắng. Cuộc hát này không phân ta địch. Hai phe ngồi đối diện quanh bếp lửa hồng. Miệng thì hát, còn đôi tay thì nghịch. Lúc đầu, họ vân vê quả còn chắp mười hai mâm vải. Mỗi mâm vải có bốn màu. Mỗi màu là một mùa. Hồng - mùa xuân. Trắng - mùa hạ. Vàng - mùa thu. Đỏ bã trầu - mùa đông. Về sau, những ngón tay lần lần đi, lần lần lại. Cố tình chạm tay người yêu. Người yêu không rụt tay về. Người yêu kéo tay vào lòng, áp thật lâu bên ngực. Tình anh rộng lớn như trời xanh. Tình em ấm nồng như lửa đỏ. Lửa sẽ thiêu rụi chúng mình, nếu người nào ăn ở hai lòng.

Phải nói rằng, hồi đó làng tôi có nhiều gái đẹp. Vì thế các chàng trai có máu mặt, lặn lội từ xa tìm đến tung còn. Không hiếm những trận ẩu đả giữa trai làng với trai lạ. Cả một bãi mía Pác Phi rộng bằng bóng mây, bị san bằng không thương tiếc. Chả biết, họ có được gì chưa, mà tan hoang như cánh đồng sau bão. Hỡi những kẻ si mê tình ái, đã không đủ sức giữ được người đẹp, phải dùng đến cơ bắp, là hạ sách. Như thế thì xoàng quá.

Vào những năm đầu thế kỷ hai mươi. Ông cha chúng tôi đi hội Pác Gà, Nặm Thoong bằng ngựa. Những chú ngựa tậu tận vùng Nước Hai, Háng Cáp. Giống ngựa lai nhập từ đâu về. Con nào con nấy lừng lững cao to và lông thì đen mượt. Chỉ cần hất mình một cái, là chúng tung bờm lên cao hơn ngọn mía. Chúng cong người lại, lấy đà nhảy một phát, bay xa mấy chục thước. Hình ảnh đầy ấn tượng, được các bà già kể mãi. Kể với vẻ mặt tràn đầy niềm kiêu hãnh tự hào một thời. Đến lứa chúng tôi thì lưa thưa xe đạp. Những chiếc xe Thống Nhất, Phượng Hoàng đáng giá con lợn tạ. Thế mà khó khăn lắm mới mua được. Đối tượng mua xe phải là những cán bộ viên chức, đang làm việc trên huyện. Mà phải phân phối bình chọn mãi mới được mua. Con  dân đen như chúng tôi, phải mượn hoặc ra phố thuê, mới có xe để mà đi. Còn bọn trẻ ngày nay, chúng đi xe máy như mưa như gió. Bờ ruộng bờ rẫy toàn mùi xăng, làm chết nhẵn cỏ. Đó đây sáng choang bóng loáng những con xe Tàu, xe Hàn, xe Nhật. Chúng thi nhau bấm còi inh ỏi, nhằm gây chú ý tới các em. Tiếng còi xe làm náo động cả một vùng núi đá.

Làng tôi xưa thuộc diện giàu có. Lúa má để hai ba mùa chưa đụng tới. Nhà nhà nuôi vài ngàn con gà vịt. Chúng tranh ăn, đè lên nhau mà chết bẹp. Chiều chiều khi trâu bò về chuồng, người làng lên đồi gõ mõ, ra hiệu cho người già, trẻ nhỏ phải ở tịt trong nhà. Không được loáng quáng ra đường, bị trâu bò lèn cho thiệt mạng. Ngày nay có ngọn đồi mang tên Pò Gọn Moong đồi gõ mõ, lớp hậu sinh chả hiểu nguồn cơn gốc tích.
Làng tôi lại gần chợ huyện. Cách nhau chưa đầy một chầu lày cỏ trò đố vui. Bán con gà mua mớ rau đều dễ dàng thuận tiện. Nói đến làng Hiếu Lễ thì cả mường cả tổng đều biết. Xưa kia, nó là đất của quan châu quan phủ. Đất của chúa mường. Một vùng quê có nhiều mỏ nước vỡ ra từ các kẽ chân núi đá. Có bao nhiêu núi đá là có bấy nhiêu mỏ nước. Mỏ Chang Nà. Mỏ Bo Ít. Mỏ Bo Chu. Mỏ Bo Păn. Mỏ Bo Thang. Mỏ Khưa Riềng…

Từ hồi còn nhỏ, tôi nghe mọi người đồn rằng thứ nước ấy ăn vào thì ngọt giọng. Thảo nào, đàn ông làng tôi có giọng trầm và ấm. Khi nghe họ nói họ cười, giọng vang như ca sĩ hát opera chuyên nghiệp. Còn con gái thì da trắng hồng. Người thơm như múi mít. Đến hơi thở của họ cũng truyền đời quyến rũ đàn ông. Tiếng lượn tiếng hát của các cô gái chàng trai thì đầy ma lực. Nó cuốn hút người nghe. Làm mê đắm người xem. Làm mềm lòng cha mẹ. Tưới cho cây cối và làm lúc lỉu quả ngọt.

Kia là bãi tung còn làng tôi. Nó không rộng lắm. Đó là nơi mà hồi còn nhỏ, chúng tôi thường xuyên chăn thả, trâu bò. Vừa chăn bò vừa chơi khăng, đánh đáo, hoặc chơi trò đánh trận giả. Bãi cỏ ấy, thực sự làm sân chơi tổng hợp, cho trẻ con, người lớn lẫn bầy đàn gia súc.

Không biết mùa xuân này làng tôi có còn mở hội? Chắc vẫn có. Bởi nếu không hoa, không rượu, không hát lượn, không tung còn thì mùa xuân đã bỏ về miền Cực Lạc. Nếu thế thì tiếc lắm.