Theo sự vận động của cuộc sống, Nguyễn Tùng Linh nhận ra: “Người đào than chết bởi sập hầm/ Người đánh cá biển vùi trong bão tố/ Người làm thơ ngụp vào trong rừng chữ/ Biết bao đòn rình rập phía sau lưng”. Vì vậy, Nguyễn Tùng Linh quyết tâm thay đổi thơ mình, nhìn xa hơn, nghĩ sâu hơn, thương nhiều hơn, lo đầy hơn. Nguyễn Tùng Linh bắt đầu giật mình “biển mùa đông như mắt người đàn bà góa/ có nỗi khao khát bỏ quên”, và nhanh chóng dằn vặt với những ngổn ngang chua xót, từ cảnh vật chênh vênh “vườn xưa cây chặt hết/ bầy chim bỏ đi rồi/ xóm ngõ lụt ánh điện/ vầng trăng hóa đơn côi” đến con người chơi vơi “bây giờ làng đã mùa đông/ Gái quê ra phố mà không thấy về”.



NGOẢNH LẠI BIỂN MÙA ĐÔNG

TUY HÒA

Dù được xem là một tập thơ mới, nhưng thực chất “Biển mùa đông” gần như tổng kết mấy chục năm làm thơ của Nguyễn Tùng Linh. Trưởng thành từ phong trào thơ công nhân ở Hải Phòng, Nguyễn Tùng Linh theo đuổi con đường người thợ - người thơ đến tận bây giờ với chức danh Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công Nhân – một tổ chức được hình thành bởi Hội Nhà văn VN và Tổng Liên đoàn Lao động VN.
“Biển mùa đông” gồm hai phần. Phần một “Bến cũ” với những bài thơ viết về người lao động mà tác giả tâm đắc. Phần hai “Biến điệu” với những bài thơ mở rộng hơn về biên độ thẩm mỹ. Với bạn đọc khó tính, “Biến điệu” có nhiều vẻ đẹp sáng tạo hơn. Tuy nhiên, với những người muốn tìm hiểu về giai đoạn văn chương thâm nhập đời sống sản xuất, thì “Bến cũ” chắc chắn có thể làm tư liệu tham khảo hữu ích.
Một thời Nguyễn Tùng Linh được xưng tụng nhà thơ công nhân, bởi lẽ ngay tên các tác phẩm đã nói lên quan niệm lập ý lập tức của tác giả: “Những ngọn đèn cửa sông”, “Những câu thơ trần mình trong bụi”, “Kéo lưới đêm cùng những người đánh cá”, “Viết tặng những người tuần đường”. Nguyễn Tùng Linh viết nhiều về không khó hăng say sản xuất công nghiệp: “Anh lại về với than, anh lại về với mỏ/ Lái xe ủi lên tầng hay xuống moong sâu/ Và hòn than – nỗi nhớ gửi cho nhau/ Bỗng ngỡ ngàng/ Nhận ra mùi hương dâu da chưa bao giờ thơm thế/ Giữa lòng thị xã than” và cũng không quên ngợi ca những bàn tay vun đắp mùa gặt hái bội thu: “Những thuở ruộng hôm nào ngập nước/ Giờ cây lúa lên xanh/ Những cây lúa đứng thẳng hàng – như những dòng chữ/ Và cánh đồng như bài thơ vừa mới viết xong”.
Theo sự vận động của cuộc sống, Nguyễn Tùng Linh nhận ra: “Người đào than chết bởi sập hầm/ Người đánh cá biển vùi trong bão tố/ Người làm thơ ngụp vào trong rừng chữ/ Biết bao đòn rình rập phía sau lưng”. Vì vậy, Nguyễn Tùng Linh quyết tâm thay đổi thơ mình, nhìn xa hơn, nghĩ sâu hơn, thương nhiều hơn, lo đầy hơn. Nguyễn Tùng Linh bắt đầu giật mình “biển mùa đông như mắt người đàn bà góa/ có nỗi khao khát bỏ quên”, và nhanh chóng dằn vặt với những ngổn ngang chua xót, từ cảnh vật chênh vênh “vườn xưa cây chặt hết/ bầy chim bỏ đi rồi/ xóm ngõ lụt ánh điện/ vầng trăng hóa đơn côi” đến con người chơi vơi “bây giờ làng đã mùa đông/ Gái quê ra phố mà không thấy về”.
Nếu đắn đo một điểm nổi bật ở “Biển mùa đông”, có lẽ phải nhắc đến chất ưu tư thế sự. Không hề có ý định giải thiêng, Nguyễn Tùng Linh chỉ trình bày thêm một chút băn khoăn trước biến thiên thời cuộc khôn lường và số phận con người trớ trêu. Nguyễn Tùng Linh xao xác cho những cô gái Đồng Lộc: “Tất cả các mỹ từ không làm các em sống lại/ Cả danh hiệu, huân chương, hương khói, tượng đài/ Họ đến với các em mà sao như trẩy hội/ Xe cộ lớn thế kia, quần áo đẹp thế này/ Có đâu biết nỗi đau bom vằm da xé thịt/ Ngước mắt nhìn trời thảng thốt gọi: Mẹ ơi!”. Và Nguyễn Tùng Linh sẻ chia cho những người đang có những mưu cầu khác nhau: “Những tướng lĩnh bây giờ cụng ly bàn tính chuyện làm ăn/ Trên mảnh đất năm xưa giành nhau từng ngọn cỏ/ Đất đã trộn máu người, dù máu của ai nữa/ Cũng là nắm đất đau thương trên xứ sở bị đọa đày”.