Thơ Nguyễn Tùng Linh đã không ngừng mở rộng biên độ cảm xúc, vượt qua những “phên giậu” chật hẹp để hòa vào cõi nhân sinh rộng lớn. Vì nỗ lực theo hướng ấy nên thơ Nguyễn Tùng Linh thoát khỏi một định nghĩa hạn hẹp theo đề tài “Thơ công nhân”, “Thơ lao động sản xuất”. Trong Biển mùa đông độc giả vui mừng thấy Nguyễn Tùng Linh đã từ sông tiến ra biển cả mênh mông, đã từng đi trên con thuyền gỗ nay chễm chệ trên những con tàu sắt xông pha trên sóng nước đại dương bao la. Đó là một sự cởi mở của đời sống và thi ca của một nhân cách trưởng thành. Đó là sự mở rộng không gian nghệ thuật thơ và mở rộng tâm hồn nhà thơ. Đó là một nguồn cảm xúc lớn rất cần cho thi ca muôn thuở. Vì thế mà độc giả không nhận ra, không nhìn thấy sự “chưa đau đã kêu”, “chưa buồn đã than thở” trong thơ Nguyễn Tùng Linh. Ưu điểm này tạo cho giọng thơ Nguyễn Tùng Linh trẻ, khỏe, hào phóng và trung thực

Tự bạch bằng thơ qua “Biển mùa đông”
(Tập thơ của Nguyễn Tùng Linh, NXB Lao động, H., 2012)

BÙI VIỆT THẮNG

1. 
Tự bạch là bài thơ được đánh số 66 thuộc phần II (Biến Điệu) trong tổng số 128 bài thơ của tập thơ mới nhất Biển mùa đông (2012) của Nguyễn Tùng Linh. Với riêng tôi, Biển mùa đông như là một tuyển tập thơ đầy đặn của một đời thơ, nghiệp thơ Nguyễn Tùng Linh (là vì dõi theo năm tháng sáng tác sẽ thấy có bài thơ như Những bông hoa trên bờ biển cát - được viết năm 1970, lúc hai mươi tư tuổi và bài thơ “mới toanh” Tự bạch được viết năm 2012, khi nhà thơ miền Hoa Phượng Đỏ đã ngoại lục tuần). Có thể nói 128 bài thơ trong Biển mùa đông là những gì nhà thơ chắt chiu được của hơn ba mươi năm cầm bút, mỗi bài thơ là một cột mốc đời người và nghiệp thơ Nguyễn Tùng Linh. Khi đã ở tuổi ngoại lục tuần nhà thơ mới khiêm nhường đưa ra một tuyên ngôn thơ: “Nếu tôi có một mảnh vườn nho nhỏ/ Tôi sẽ trồng cây và không làm thơ/ Tôi chỉ viết trong lúc mình chờ đợi/ Gom nhặt đủ tiền để mua mảnh vườn kia”. Tôi gọi đó là “tuyên ngôn thơ” Nguyễn Tùng Linh, tại sao không, khi một cá nhân nhà thơ chứ không phải một văn phái có thẩm quyền ra tuyên ngôn nghệ thuật của riêng mình?!    

2.
Thơ Nguyễn Tùng Linh, theo tôi, cất cánh từ trong cuộc đời lao động ở một vùng đất giàu truyền thống nghệ thuật - Hải Phòng. Anh có thơ đăng báo từ những ngày còn là công nhân (sau đó là cán bộ kĩ thuật) ở các công trường, xí nghiệp ngành xây dựng Hải Phòng. Và Hải Phòng lại là thành phố cửa biển, nên rất tự nhiên trong thơ Nguyễn Tùng Linh không chỉ có ánh lửa hàn, tiếng búa, tiếng dồn toa của những đoàn tàu chở đầy hàng mà còn rất nhiều sông nước, biển cả. Hình như biển là một ám ảnh và là một không gian gợi thi hứng, gợi thi tứ cho Nguyễn Tùng Linh. Độc giả hãy theo dõi sự xuất hiện của một loạt bài trong tập thơ Biển mùa đông gắn với sông nước, biển cả: Tình yêu Nha Trang (1985), Những bông hoa trên bờ biển cát (1970), Những ngọn đèn cửa sông (1985), Biển (1980), Nha Trang mùa thu (1986), Kéo lưới đêm cùng những người đánh cá (1985), Thị xã của những người đánh cá (1981), Biển mùa đông I (2004), Bất chợt Tuy Hòa (2007), Biển mùa đông II (2004), Trăng sông Cấm (1991), Mùa bão, anh đi về phía biển (1988)… Phải chăng Nguyễn Tùng Linh là “tình nhân” của sông nước, biển cả?! Rất có thể như thế vì thơ viết về sông nước, biển cả của anh phóng khoáng và hào hiệp “Chiều nay Tôi và Biển/ Với Em phút giao mùa” (Nha Trang mùa thu). Rất có thể như thế vì “mối tình si” của Nguyễn Tùng Linh với sông nước, biển cả mà ngôn từ thơ anh rộng rãi, mở lòng, sẵn sàng sẻ chia tâm sự “Không phải mùa hè nồng nã/ Căng đầy như ngực gái mười lăm/ Biển mùa đông như mắt người đàn bà góa/ Có nỗi khát khao bỏ quên” (Biển mùa đông I).  

3.
Những bài ca lao động như là một phần thơ máu thịt của Nguyễn Tùng Linh trong Biển mùa đông. Bài thơ Giữa tháng Năm nghe tin gió mùa Đông Bắc (1982) được viết  bằng một cảm xúc thẳng băng và thành thật “Giữa tháng Năm nghe tin gió mùa Đông Bắc/ Và thế là suốt đêm không ngủ được/ Tôi trở dậy thắp một ngọn đèn dầu/ Trang giấy trắng như cùng tôi thức”. Nhà thơ trước trang giấy trắng khác nào trước “pháp trường trắng” bỗng cảm thấy day dứt “Trang giấy trắng bời bời bao tâm sự/ Chữ ngổn ngang như đồng đất mới cày/ Thơ đã gieo, hẹn đến mùa gặt hái/ Khi trong lòng gió lạnh đã xa xôi”. Đi lên từ một người thợ, đi lên từ lao động nên trong thơ Nguyễn Tùng Linh chứa chất nhiều suy tư, tâm tưởng về tình người trong lao động để tồn tại và đồng thời lao động để sáng tạo. Niềm vui sống và niềm vui lao động chan chứa trong thơ Nguyễn Tùng Linh. Một loạt bài thơ viết về con người lao động chân phương và vẻ đẹp giản dị của lao động cả trong hai ý nghĩa của nó: Gửi em và thị xã than (1975 - 1982), Những em bé ở mỏ Cao Sơn (1986), Những ngọn đèn cửa sông (1985), Thơ viết trên cánh đồng ngập nước (1980), Những câu thơ trần mình trong bụi (1982), Cô gái Ê - Đê đi làm thủy lợi (1985), Mùa trảy lê (1976), Kéo lưới đêm cùng những người đánh cá(1985), Viết tặng những người tuần đường (1986), Thị xã của những người đánh cá (1981), Thung lũng và những quầng bụi đỏ (1978)… Là người sống giữa đời thường, biết lắng nghe mọi cung bậc âm thanh của đời sống nên thơ Nguyễn Tùng Linh có cái ưu thế của chất sống dồi dào, nếu có thể nói là “ròng ròng sự sống”, tránh được lối véo von, màu mè của những người viết được một số bài thơ sau một chuyến đi thực tế dài, ngắn về một một vùng miền nào đó của đất nước. Nếu trong ngành giáo dục có những “giáo viên cắm bản”, âm thầm hi sinh để gieo con chữ trên vùng cao thì Nguyễn Tùng Linh, theo tôi, là “nhà thơ cắm chốt” vào đời sống lao động của nhân quần ở một vùng đất rất đặc trưng - Hải Phòng -  một thành phố đã đi vào thi ca như một giai thoại “Cái thành phố ăn nằm với biển/ Đẻ ra rất nhiều người cần lao”!? Trong số những bài thơ mà Nguyễn Tùng Linh từng tự nhận là mình đã “nằm lòng” nơi gợi thi hứng, thi tứ thì Những bông hoa trên bờ biển cát được viết ra trong sự run bật cảm xúc, một cảm xúc ở độ chín cao và tạo liên tưởng sâu xa “Những cô gái từ đâu trở về/ Nở trên cát những nụ cười rất trẻ/ Nụ cười đánh thức ngàn năm cát ngủ/ Bàn tay tung tóe mặt trời buổi trưa”. Ai đã một lần đến với những diêm dân lầm than để thấy hết bao gian nan vất vả của họ làm nên hạt muối mặn mòi vị đời, ai đã một lần đứng giữa cánh đồng muối một buổi trưa chói chang nắng thì mới cảm nhận hết cái hình ảnh vừa thực vừa ảo “bàn tay tung tóe mặt trời buổi trưa”. Nếu nói không quá thì Nguyễn Tùng Linh là người đầu tiên, lần đầu tiên trong thơ tạo nên một loài hoa mới - hoa muối: “Một sớm mai mặt trời đến - sững sờ/ Gặp những bông hoa trắng ngời trên cát/ Những cánh muối xòe ra từ lòng biển”

4.
Thơ Nguyễn Tùng Linh đã không ngừng mở rộng biên độ cảm xúc, vượt qua những “phên giậu” chật hẹp để hòa vào cõi nhân sinh rộng lớn. Vì nỗ lực theo hướng ấy nên thơ Nguyễn Tùng Linh thoát khỏi một định nghĩa hạn hẹp theo đề tài “Thơ công nhân”, “Thơ lao động sản xuất”. Trong Biển mùa đông độc giả vui mừng thấy Nguyễn Tùng Linh đã từ sông tiến ra biển cả mênh mông, đã từng đi trên con thuyền gỗ nay chễm chệ trên những con tàu sắt xông pha trên sóng nước đại dương bao la. Đó là một sự cởi mở của đời sống và thi ca của một nhân cách trưởng thành. Đó là sự mở rộng không gian nghệ thuật thơ và mở rộng tâm hồn nhà thơ. Đó là một nguồn cảm xúc lớn rất cần cho thi ca muôn thuở. Vì thế mà độc giả không nhận ra, không nhìn thấy sự “chưa đau đã kêu”, “chưa buồn đã than thở” trong thơ Nguyễn Tùng Linh. Ưu điểm này tạo cho giọng thơ Nguyễn Tùng Linh trẻ, khỏe, hào phóng và trung thực. Một loạt bài thơ gây ấn tượng về sự trưởng thành đáng mừng này: Trở lại mùa hè (1986), Không đề I (2004), Nhớ và quên(2012), Vạn lý Trường Thành (2005), Viếng đền thờ Lý Ban (2005), Cố cung (2005), Viết ở đền thờ các nhân vật Tam Quốc (2005), Một trái tim cao cả (1985-2005), Ngày cuối (1980), Thăm chùa (1992), Khúc mùa thu (2005), Truyền thuyết về bông hoa bất tử (1979), Với nhà văn Nguyên Hồng (1982 - 1987), Mẹ và ngôi mộ gió (2011), Cây bàng bên cửa sổ (1983), Nhà thơ và bạo chúa (2000), Luật yêu (1980), Biển mùa đông I (2004), Biển mùa đông II (2004), Đêm Ai Cập (2004), Đêm Tố Như (1988), Tự bạch (2012)… Trong thơ Nguyễn Tùng Linh có triết lí nhưng rất may mắn cho độc giả yêu thơ anh là tác giả không rơi vào suy lí và tư biện như thường thấy ở một số cây bút muốn tạo dáng trong văn chương hiện nay. 
        
5.
Xét riêng về câu chữ, thơ Nguyễn Tùng Linh không phải là một hiện tượng bùng nổ ngôn từ, và tác giả không phải là người tạo nên những “lớp sóng ngôn từ” kiểu như một vài nhà thơ thế hệ 8X. Thơ anh nếu neo lại được trong ký ức độc giả thường là nhờ vào hai yếu tố cơ bản: tình cảm chân thành, mãnh liệt của chủ thể sáng tạo và ý thức tìm tòi “tứ” cho thơ ca. Người ta nói nhiều về các chiêu thức và kĩ thuật sáng tác văn chương, đặc biệt là thơ ca, nhưng không ai có thể phủ nhận “quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm”. Thế hệ như Nguyễn Tùng Linh dù viết thể loại nào cũng đều giống nhau ở chỗ không bao giờ coi văn chương là một “trò chơi vô tăm tích” (thực ra đấy là một thứ “triết lí vặt” theo cách diễn của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến mà một lần tôi đã đọc được ở đâu đó). Tôi nhận thấy Nguyễn Tùng Linh viết thơ có tình. Trong bài Đêm ngủ Giã (1986), nhà thơ đã bộc bạch cảm xúc nhiệt thành của mình trước sự sống không bao giờ chán nản của những con người lao động ở một xóm chài bé nhỏ ở miền Trung. Bài thơ kết thúc bằng những câu thơ ấm áp tình người trong lao động và từ đó nẩy bật lên cái tứ thơ: “Bầy trẻ chạy ùa ra - những gót chân của bình minh/ Tôi tất tả cùng dân làng ra bến/ Ghé vai khênh những lồ cá nặng/ Giã một đêm. Tôi nhớ suốt đời mình”. Nếu chú ý quan sát thì độc giả sẽ nhận ra một kiểu ngôn ngữ thơ rất gần với đời sống khi nhà thơ chỉ ngủ lại một đêm ở một làng vạn chài mà thấm thía, thấu hiểu đến tường tận cả những cái “lồ” trĩu nặng cá tươi (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển -  Ngôn ngữ, Hà Nội, 1992, giải thích: “Lồ: Đồ đựng đan bằng mây, tre, giống cái bồ, cái sọt, nhưng thưa mắt). Trong cảnh tưng bừng đánh bắt được những mẻ cá lớn của ngư dân làng Giã, nhà thơ bỗng cảm thấy mình cũng là một trong cộng đồng lao động vất vả mà vinh quang, nên cùng hiệp sức “Ghé vai khênh những lồ cá nặng”. Một đêm bằng cả một đời để nhận chân sự thật, nhận chân cái đẹp của con người lao động. Đọc thơ Nguyễn Tùng Linh, tự nhiên trong tôi dấy lên niềm vui sống, niềm vui khi nhận ra sự gặp gỡ giữa thơ ca và đời sống của nhân dân lao động, một nhân dân bao đời nay “Gươm một tay, cày một tay/ Đời nhân dân muôn nỗi đắng cay” (S. Pêtôfi). Trong bài thơ Gửi em và thị xã than (1975 - 1982) có những câu thơ giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người “Và Hòn Than - nỗi ràng rịt chúng mình cùng thị xã/ Nỗi ràng rịt thị xã với trăm nơi” (Từ điển tiếng Việt, 1992, giải thích: “Ràng rịt: Buộc nhiều vòng chằng chéo”). Độc giả có thể tìm thấy nhiều từ ngữ được nhà thơ sử dụng một cách đắc địa như chúng tôi vừa dẫn giải và phân tích ở trên.    
Tuy nhiên như một lẽ thường tình, đôi khi Nguyễn Tùng Linh cũng bộc lộ cái “gót chân Asin” của mình trong thơ. Đó là khi anh không tiết chế được cảm xúc trào dâng thành ra “lộng ngữ” (chơi chữ) kiểu như “Xin thêm một lần nhớ những điều muốn quên/ Để được mãi quên đi những điều mình vừa nhớ” (Nhớ và quên, 2012). Một đôi chỗ “tính chất khẩu hiệu” đã làm giảm cái mà chúng ta vẫn gọi là “mỹ cảm” trong thơ, kiểu như “Sự thật đắng cay. Sự thật chẳng ngọt ngào/ Và vì thế từng nhiều phen sấp mặt/ Sự thật đi qua những khúc quanh, vượt bao ghềnh thác/ Có nhiều khi chìm hút đáy sâu/ Đấy là lúc bạo lực nhân danh cái thiện để thực thi cái ác/ Bạo lực khoác áo thánh thần để tính chuyện nhớp nhơ” (Với Paxtecnăc, 1987). Tôi cứ nghĩ một cách giản dị, nếu trong tay chúng ta có một thúng gạo ngon, nhưng đừng vội nghĩ là nó không hề có sạn. Nhặt ra vài ba “hạt sạn” trong thơ Nguyễn Tùng Linh, như tôi vừa làm, ai dám nói là muốn “hạ bệ” thơ anh?! Trái lại để thấy “nhân bất thập toàn”, và  đặc biệt với nghệ thuật thơ ca, là một thử thách khó khăn nhất đối với nhà thơ khi nắm trong tay thứ vũ khí lợi hại nhất - ngôn từ - trong giao hòa, giao cảm giữa người với người. 
Nguyễn Tùng Linh cũng viết văn xuôi (anh sở hữu một tập truyện ngắn Con trai người thắp đèn cửa sông, 1985), nhưng công bằng mà nói không nhiều tiếng vang trên văn đàn đương đại Việt Nam. Nhưng có hề chi như lời dạy của cổ nhân “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Tôi nghĩ, Nguyễn Tùng Linh cứ sáng tác thơ, cứ đắm đuối với thơ, cứ như một “tình nhân” của Nàng Thơ, ắt sẽ còn nhận được nhiều đền đáp xứng đáng hơn, sự đền đáp trước tiên ở số đông độc giả yêu thơ anh.