Cách đây ba năm, tôi về Cao Bằng - quê tôi - công tác. Đó là chuyến đi đã làm tôi đích thực trở thành kẻ nói dối - nói dối một cách thành thạo - tỉnh bơ. Hôm đó, tôi mượn được cái xe máy định lên một bản của người Dao đỏ để viết bài. Đang đi trời bỗng đổ mưa, giữa rừng rú chẳng có chỗ nào lánh tạm, lại thêm cái xe máy dở chứng nên tôi thất thểu dắt bộ. Mãi rồi cũng vào được một gia đình người Dao ven đường. Đúng hơn, đó là một cái quán bán hàng trên đỉnh đèo có cái tên rất đẹp: Cao Sơn. Chủ nhân là đôi vợ chồng người Dao đỏ còn rất trẻ. Đêm đó, anh chủ nhà nhiệt tình tiếp tôi. Họ mổ gà, rót rượu thết đãi tôi như người thân lâu ngày mới gặp. Trong cuộc nhậu, tôi cao hứng lấy máy ảnh chụp cho cả gia đình anh, rồi hứa rằng ngay khi về tới thành phố sẽ làm ảnh gửi lên. Đã thế còn ghi chép địa chỉ rất cẩn thận. Tôi không nhớ rõ trong lúc ngà ngà men rượu ngô nhắm thịt gà luộc mình đã nói những gì, đã hứa những gì, nhưng chắc chắn đã hứa việc gửi ảnh cho người ta.


NỬA ĐÊM SỰC TỈNH 

A SÁNG

Thế rồi, tôi về thành phố: một năm, hai năm, rồi ba năm. Câu chuyện gửi ảnh ấy tôi quên khuấy, thỉnh thoảng mở máy tính lục tìm tư liệu vẫn thấy những bức ảnh đó. Người chủ nhà cười rất tươi, cô vợ trẻ e thẹn và hai đứa con của họ ngơ ngác lọ lem. Tôi có dừng lại và tự đỏ mặt trước cái nhìn của họ từ màn hình máy tính. Hình như họ nói với tôi: “Mày là thằng nói dối. Thằng nói dối, ảnh của tao đâu?”. Nhưng cái sự xấu hổ cũng nhanh chóng đi qua, tôi phải làm việc khác và lại một cái tặc lưỡi: quan trọng gì đâu.
Cứ thế, cho đến vừa rồi về quê có chút việc. Tôi lang thang ra chợ tìm mua vài thứ, bỗng một ai đó vỗ vai tôi và cười rất tươi. Tôi không thể nhớ nổi người này, nên hỏi tỉnh bơ: “Anh là ai thế nhỉ?”. Người kia vẫn tươi cười rồi nói: “Tao đây mà… Phiên đây mà…”. Tôi vẫn không nhận ra, còn cảm thấy khó chịu vì con người kỳ lạ này. Anh ta nói tiếp: “Nhà tao ở đỉnh Cao Sơn ấy, cái hôm trời mưa ấy… Mà chẳng thấy mày gửi ảnh cho tao gì cả…”. Tôi giật mình, đúng rồi anh ta là Triệu Tài Phiên, nhà ở đỉnh Cao Sơn, người đã thết đãi tôi ngày ấy, người mà tôi đã hứa gửi ảnh, mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy đôi mắt tươi cười của họ trên màn hình máy tính ở nhà tôi… 

Phải, đã ba năm nay, tôi không còn nhớ chuyện này. Ở thành phố ba phút có thể quên ngay một điều tồi tệ mình vừa trải qua, ba ngày có thể đã hàng ngàn lời nói dối và ba năm thì không thể nhớ nổi chuyện gì. Con người sống như cỗ máy, hoạt động một cách cơ học, vô cảm. Và những chuyện cần thiết chúng ta lại tự coi như rất nhỏ, chẳng quan trọng gì. Còn cái anh chàng người Dao - Triệu Tài Phiên kia ba năm rồi vẫn nhớ tôi, nhớ tới lời hứa của tôi. 

Với người miền núi, lời hứa thật quan trọng, nó tượng trưng cho lòng tự trọng, sự kiêu hãnh, tính trung thực… còn nhiều thứ nữa tôi không đủ sức kể ra vì tôi đâu còn là chính mình nữa. Những gì tinh khiết nhất, đẹp đẽ nhất mà tinh hoa của rừng núi ban tặng đâu còn thấm đẫm trong tâm hồn tôi. Tôi là kẻ nói dối! Kẻ bịa đặt thành thạo - tỉnh bơ - trơ trẽn nhất. Tôi không xứng đáng nhận cái cười niềm nở của anh bạn người Dao đỏ kia. Nếu Triệu Tài Phiên biết được sự thật, anh ta sẽ chẳng bao giờ chào tôi, và khẩu súng kíp kia sẵn sàng nhả đạn vào bộ mặt trơ trẽn của tôi. Nhưng Triệu Tài Phiên ơi! Anh sẽ không bao giờ nhận ra tôi nói dối vì tôi đang nguỵ trang bằng chính khuôn mặt của tôi. Và đôi lúc tôi nghĩ bộ mặt giả dối ấy là sự thật - một sự thật “sinh động” mà tôi đã cất công xuống phố mới có nổi. Tôi là ai? Tôi không biết! Tôi chỉ nhận ra chính mình khi nhìn thấy cái cười thân thiện của anh mà thôi.

Lần này tôi như muốn chui xuống đất, không biết phải nói với Triệu Tài Phiên thế nào. Tôi lại bịa, lạy ông Trời, tôi lại bịa! Tôi bịa rằng vì đi đường bị mưa nên ảnh hỏng hết rồi, không gửi được. Triệu Tài Phiên vẫn tươi cười nói: “Hỏng rồi à? Hỏng thì thôi… Uống rượu với tao không?”. Tôi không thể từ chối, dù rất muốn trốn chạy. Tôi đã nhắm mắt uống vài chén rượu đắng ngắt mà đáng ra phải ngọt lịm. Nhưng ngay lập tức tôi lại biện hộ cho bản thân mình: Có gì đâu, chuyện thường ấy mà… Cứ thế tôi tự nhủ, tự tha thứ cho chính mình vì lúc này tôi đâu còn biết xấu hổ.
Khi về, có cái gì đó đang ù ù bên tai tôi: nói dối, bịa đặt, chuyện thường ấy mà. Nhưng mỗi lần tôi nghĩ thế, cái cười hồn nhiên của Triệu Tài Phiên lại hiện về. Tôi biết Tài Phiên đã tin tôi, nghĩ rằng ảnh hỏng thật, mà hỏng thì thôi chứ còn làm gì, uống rượu đã. Họ là thế, giản dị, chân thành, không nghi hoặc. Còn tôi - tôi là ai? Sự bịa đặt này có quan trọng gì? Nhưng tôi lờ mờ nhận ra rằng, tư duy của tôi đã tồi tệ lâu rồi.
Ngay khi viết những dòng này, tôi đã lần tìm đến mấy cái ảnh năm nào, vẫn đôi mắt ấy, cái cười ấy và… uống rượu với tao không - họ không biết nói dối. Nhưng tôi cũng không dám tin rằng, ngay ngày mai sẽ đi làm ảnh và gửi cho Tài Phiên vì ngày mai là cái gì tôi cũng không biết nữa.

Ngày mai nếu nhận được một cú điện thoại của ai đó, rất có thể tôi lại nói mình đang ở Hải Phòng, hoặc đâu đó không gặp được. Nói dối - rất bình thường - thường lắm nên nó đúng thì phải. Tôi tin, nhiều người ở thành phố cho đó là chuyện bình thường. Một lời hứa thoảng qua, làm sao nhớ được, cả ngàn việc đang chờ. Với cái cớ bận bịu đó chúng ta đã bỏ qua bao nhiêu điều tưởng như bình thường, và băng qua nó một cách tỉnh bơ. Vậy, chúng ta có phải thanh lịch, văn minh như những gì vẫn nói?
Ở thành phố cách tốt nhất, an toàn nhất nên để người khác không biết mình nghĩ gì. Điều này tôi đã tự học được và thấy rất hiệu quả. Tôi đã áp dụng nó để sống một cách vị kỉ ngay với chính bản thân mình.
Ngày trước, thỉnh thoảng họp cơ quan, bàn về chuyên môn, tôi có thẳng thắn nhận xét vài điểm. Tất nhiên những điều tôi nói, nhiều người ngồi đó biết cả, họ luôn giỏi hơn tôi mà. Nhưng cứ sau buổi họp, một vài người lại nhắc nhẹ: lần sau đừng nói thế. Có người còn cáu kỉnh, thậm chí nổi khùng vì đụng chạm đến họ, mà rõ ràng tôi đúng - trăm phần trăm tôi đúng. Ban đầu tôi rất ngạc nhiên, bực tức, thất vọng… Nhưng rồi dần dần tôi hiểu ra: im lặng là an toàn nhất! Ôi! Thật phức tạp, mà cũng đơn giản vô cùng. Về sau, khi họp người ta bắt tôi phải nói, tôi đã trơ trẽn khen vống lên, khen nức nở, hoặc nói mà chẳng ai hiểu gì, nói làm sao cho người ta tưởng mình mắc bệnh down càng tốt. Thế là tôi an toàn, với tôi nó càng an toàn tuyệt đối vì vẫn mang trên người cái mác dân tộc thiểu số ấy mà.

Ngày trước, mỗi khi nhìn thấy tai nạn trên đường phố, tôi cũng hay ngó nghiêng xem có giúp gì được người ta không. Nhưng bây giờ tôi “điếc” đến nỗi người ta lăn đùng ra trước mặt cũng tỉnh bơ. Tôi chỉ liếc một cái rồi vù đi luôn, mắt tôi còn đó nhưng mù thật. Đôi khi nghĩ lại những chuyện như thế, tôi thấy lạnh ở sống lưng, có cái gì đó đang chạy ngược sống lưng của mình, và nó lan toả như một làn khói bẩn đục, âm u bám lấy vỏ não của tôi. Hình như tôi mù thật!
Những lúc hốt hoảng như vậy, tôi lại lẩm bẩm một mình bằng tiếng Tày. Tôi tự trấn an mình bằng ngôn ngữ của dân tộc tôi. Cái âm điệu ngọt ngào ấy được thốt ra từ vòm họng chai sạn lời nói dối ấy như có phần làm mát dịu tâm can. Những tiếng thì thào mềm mại của tiếng Tày như lời cầu nguyện của tôi trước Đin Phạ (ông Trời). 

Tôi muốn trở lại chính mình, muốn trong trẻo và ngờ ngệch như những ngày vắt khăn mặt trên vai thất thểu về thành phố. Nhưng tôi đâu biết rằng, ở cái thành phố khói bụi này, có quá nhiều “nguyên tử” mang tình thần nói dối từng ngày bám chặt lấy thân thể tôi, rồi vỏ não của tôi, rồi những nếp nhăn trong óc tôi… dù đôi lúc nhận ra nhưng không tài nào gỡ nổi. Tôi chỉ còn hy vọng vào những lời câu nguyện bằng tiếng Tày thân yêu ấy. Có thể nó như một liều thuốc mang phép thiêng - từng ngày - từng ngày - chống lại căn bệnh “ung thư nói dối” kia. Chỉ hy vọng thế thôi, còn giờ đây tôi vẫn áp dụng chiêu thức: “mắt mù - tai điếc - an toàn lắm”. Cái chiêu thức này cho phép tôi đi qua cuộc sống đô thị một cách an toàn, nhưng cũng như khi người ta bỏ con cá chuối vào nồi nước lạnh rồi từ từ đun lên. Nước cứ thế nóng lên nhưng con cá kia không hề nhúc nhích, cho đến khi nó chín nhừ vì nó không cảm nhận được sự nóng lên ấy sẽ giết chết nó. Tôi rất sợ hãi khi nghĩ như vậy.